Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam – Tuyển tập những bài đặc sắc nhất

Thuyết minh về chiếc nón lá là đề bài quen thuộc dành cho học sinh THCS. Dưới đây là những gợi ý để bạn sáng tạo nhiều ý văn hay ho cho bài viết của mình.

Dàn ý bài viết thuyết minh chiếc nón lá

Mở bài: nói về sự gắn bó, quen thuộc của chiếc nón lá. Đây là vật dụng đã song hành với đời sống người nông dân từ ngàn xưa cho đến nay.

Thân bài:

– Cấu tạo, đặc điểm hình dáng của chiếc nón lá.

– Cách làm nón lá, thời gian thực hiện

– Công dụng của nón lá đối với gia đình em, đời sống thực tế

– Hình ảnh và ý nghĩa của nón lá trong ca dao, tục ngữ, thơ văn…

– Chiếc nón lá trong thời hiện đại.

Kết bài: khẳng định giá trị về tinh thần của chiếc nón lá trong thời đại ngày nay.

Một số câu tục ngữ, ca dao có hình ảnh chiếc nón lá

  1. Còn duyên nón cụ quai tơ

Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.

  1. Ai làm chiếc nón quai thao

Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.

  1. Trời mưa thì mặc trời mưa,

Chồng tôi đi bừa đã có nón che.

Muốn bài văn thuyết minh hay dễ đi vào lòng người. Bên cạnh dùng những lời văn ngọt ngào, ấm áp. Các bạn cần sử dụng các câu ca dao, tục ngữ để làm điểm nhấn.

Có thể bạn quan tâm:  Phân tích nhân vật bà cụ Tứ - Hình tượng người mẹ hiền ngày xưa

Bài văn mẫu thuyết minh về chiếc nón lá

Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam đã in sâu trong tiềm thức mỗi người chính là hình ảnh tà áo dài. Áo dài tha thướt, sang trọng mà vô cùng nền nã. Và áo dài thì không thể thiếu đi chiếc nón lá che nghiêng: “Em che nghiêng nón lá, chân rụt rè qua nhịp cầu tre”. Một hình ảnh quá đỗi thân thuộc, quá đỗi dịu dàng đậm đà hồn dân tộc.

Chẳng nhà nghiên cứu nào dám xác minh về thời gian chiếc nón lá bắt đầu xuất hiện. Chỉ biết rằng hình ảnh nón lá đã xuất hiện từ rất sớm trong những câu ca dao, tục ngữ của người Việt. Hiện nay, những làng nghề chằm nón còn được lưu giữ lại như Đông Giao ở Phú Thọ, làng Phủ Cam (Huế)… Đây không chỉ là những làng nghề gìn giữ văn hóa mà còn là điểm tham quan được du khách yêu thích.  

Cấu tạo của chiếc nón lá 

Chiếc nón lá nhìn đơn giản nhưng lại là một “tuyệt tác” từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề. Nón có thể đan bằng nhiều loại lá khác nhau như cọ, dừa… Nhưng nếu đúng nón lá truyền thống thì phải dùng lá nón. Mỗi chiếc nón cần đến 24-25 chiếc lá. Người thợ sẽ làm phẳng từ lá rồi ghép lại với nhau. Khung nón bên trong sử dụng những nan tre nhỏ dan lại với nhau. Bên ngoài được phủ lá nón, dùng cước hoặc chỉ để cố định lại, sau đó phủ lớp bóng cho bền đẹp. Quai nón thường được làm từ vải mềm, tùy vào mục đích sử dụng nón. Nếu là nón quý, dùng đội khi đi hội, dùng cho phụ nữ quý tộc thì thường làm từ nhung, lụa. Bên ngoài hoặc bên trong nón sẽ được thêu những hình trang trí phong cảnh đơn giản.

Có thể bạn quan tâm:  Thuyết minh áo dài - Dàn ý và văn mẫu đặc sắc

Người ta phân loại nón lá dựa vào nguyên liệu và hình dáng chiếc nón. Nón dạng tròn dẹp (nón quai thao) là đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc. Nón này thường đi kèm với áo tứ thân trong những dịp lễ lạc. Nón bài thơ (mặt trong nón thêu vài câu thơ) là nét duyên riêng của những nàng thơ xứ Huế. Nón rơm, nón thúng, nón chóp… được sử dụng phổ biến và cũng đa dạng hơn.

Thuyết minh về chiếc nón lá – Ứng dụng trong đời sống!

Nón lá được ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày của người Việt. Công dụng đầu tiên của nó là để che mưa nắng và thay chiếc quạt tay. Nón lá có vành khá rộng, che được tầm nhìn, bảo vệ nắng hay mưa hắt thẳng vào mắt người đội. Ngoài ra, nó còn một công dụng khá độc đáo nữa là cho các chị, các cô “làm duyên” e thẹn. Đây chính là lúc bộ đôi áo dài – nón lá phát huy tác dụng. Từ ngàn đời nay, người phụ nữ với tà áo dài và nón lá đã trở thành tượng đài cho nét đẹp văn hóa:

“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón

Trời mùa thu mây che có nắng đâu?”

(Trần Quan Long)

“Chén tình là chén say sưa

Nón tình em đội nắng mưa trên đầu”

(Ca dao)

Nón lá cũng nét duyên thầm kín của người Việt khiến nhiều du khách nước ngoài lưu luyến. Trong những món quà gửi bạn bè phương xa hay khách ngoại giao, ngoài chiếc áo dài khó có thể thiếu đi nón lá.

Có thể bạn quan tâm:  Mở bài Vợ Chồng A Phủ cực hay, độc lạ nhất 2020

Ngày nay, nón lá đã dần thu hẹp phạm vi sử dụng. Tại những đô thị lớn khó có thể thấy hình ảnh chiếc nón lá, chỉ còn bắt gặp tại những vùng quê yên bình. Với nỗ lực gìn giữ văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhiều bộ môn nghệ thuật đã tăng độ “phủ sóng” của những chiếc nón lá. Điển hình là sân khấu kịch, phim ảnh, thơ ca, nhạc họa…

Chiếc nón lá luôn gắn bó với người Việt

Dù xã hội có phát triển, đổi thay ra sao, thì chiếc nón lá vẫn vẹn nguyên hồn dân tộc. Là một biểu tượng của nét duyên dáng, ý nhị, là hình ảnh thân thuộc, gần gũi của quê hương mỗi khi nhớ về:

“Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài hè”

(Đỗ Trung Quân)

Hy vọng những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn thuyết minh về chiếc nón lá sinh động và hay hơn. Đừng quên thêm vào bài những tâm tư, cảm xúc của riêng mình để bài viết thêm đặc biệt nhé.

Tải tài liệu miễn phí tại đây

Tài liệu tiếp tục được cập nhật

Sưu tầm: Hoài Thương

Để lại Lời nhắn