Thuyết minh về chiếc nón lá – Dàn ý và bài văn mẫu hay nhất đạt điểm 9, 10

Thuyết minh về chiếc nón lá

Dàn ý

1. Mở bài:
Từ xa xưa, chiếc nón lá đã là một vật dụng che nắng, che mưa quen thuộc mà gần gũi, gắn bó với người phụ nữ Việt Nam.
2. Thân bài:
– Lịch sử ra đời của chiếc nón lá:
+ Trước kia, cha ông ta thường dùng những chiếc lá ghép lại với nhau để che nắng, che mưa.
+ Đến thế kỷ 13 – thời nhà Trần, nón lá bắt đầu xuất hiện.
+ Chiếc nón lá tồn tại, phát triển cùng với bao thời kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
+ Một số làng nghề làm nón còn tồn tại cho đến ngày nay: Làng Chuông ( Hà Nội), làng Dạ Lê ( Huế),…
– Hình dáng và nguyên liệu làm nón:
+ Hình dáng: Nón lá thường có hình chóp, nhọn ở đầu. Bên cạnh đó, còn có một số loại nón rộng và phẳng đỉnh.
+ Các nguyên liệu làm nón:
• Lá để lợp nón, có thể làm bằng lá cọ hoặc lá dừa,…
• Nứa để làm nan nón.
• Dây cước, sợi guột, kim khâu nón.
• Bọc nón ( bằng ni lông), dây quai nón, một số loại tranh ảnh trang trí,…
– Quy trình làm nón:
+ Lá cọ sấy khô trực tiếp trên bếp than. Lá sau khi được để qua đêm từ 2 đến 5 giờ thì đem là phẳng rồi lau sạch. Sau đó, cắt lá với cùng một độ dài là 50 cm.
+ Người thợ dùng mác sắt để chuốt nan tre. Nan phải tròn đều và có độ nhỏ vừa phải. Uốn nam thành những vòng tròn từ lớn đến nhỏ.
+ Tiếp đến, người thợ sẽ xếp lá nón lên khung. Lá phải xếp đều tay, không được xộc xệch.
+ Khi khâu nón, cần sự tỉ mỉ, chính xác và khéo léo.
+ Nón khi hoàn thành sẽ được quét một lớp dầu bóng. Người ta dùng vải lục, the hoặc vải nhung để làm quai nón.
+ Để nón được lâu dài và bền đẹp, sẽ dùng túi ni lông để bọc nón.
– Công dụng, ý nghĩa của chiếc nón:
+ Từ xa xưa, người nông dân Việt Nam đã dùng nón để che nắng che mưa, tát nước,…
+ Nón gắn bó, trở thành người bạn thân thiết với người lao động Việt Nam.
+ Theo thời gian, nón lá dần trở nên phổ biến, có mặt ở khắp mọi miền đất nước từ Nam ra Bắc.
+ Nón lá thổi hồn vào thơ ca, nghệ thuật, tạo nên một nét đặc trưng riêng không thể trộn lẫn.
+ Cùng với tà áo dài Việt Nam, chiếc nón đã tạo nên nét đẹp truyền thống trong nền văn hóa của dân tộc.
3. Kết bài:
Từ bàn tay lao động của con người nón lá chính là sản phẩm tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Văn mẫu

Đất nước Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến không chỉ vì thiên nhiên thơ mộng, trữ tình mà còn nhờ những vẻ đẹp truyền thống, văn hóa lâu đời. Trong đó, có hình ảnh chiếc nón lá mộng mơ bên cạnh tà áo dài thướt tha, mềm mại. Từ xa xưa, chiếc nón đã là vật dụng che nắng, che mưa quen thuộc mà gần gũi, gắn bó với người phụ nữ Việt Nam.
Rất lâu về trước, cha ông ta đã biết lấy những chiếc lá rồi ghép lại vào nhau để che nắng, che mưa. Sang thời nhà Trần – vào thế kỷ 13, nón lá bắt đầu xuất hiện. Chiếc nón lá tồn tại và phát triển cùng thời kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đến nay, một số làng nghề làm nón còn tồn tại như: làng Chuông (Hà Nội), làng Dạ Lê (Huế), làng Đồng Di (Phú Vang),… Với tay nghề khéo léo cùng sự tỉ mỉ, người thợ đã cho ra đời các sản phẩm tinh tế, mới mẻ nhưng vẫn mang vẻ đẹp cổ truyền.
Chiếc nón lá Việt Nam thường có hình chóp, nhọn ở đầu. Bên cạnh đó, cũng có một số loại nón rộng và phẳng đỉnh. Để làm được một chiếc nón đẹp mắt, trước hết phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu. Người thợ thường dùng lá cọ hoặc lá dừa để lợp nón. Nhưng lá cọ được sử dụng phổ biến hơn. Lá cọ làm nón không được già mà cũng không dùng lá quá non. Lá màu trắng bóng, gân lá phải còn xanh. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị nứa để làm vòng nón, dây cước, sợi guột, kim khâu nón. Chuẩn bị vải lục, the hoặc vải nhung để làm quai nón. Ngoài ra, có thể thêm một số tranh ảnh để trang trí cho chiếc nón thêm đẹp mắt.
Sau công đoạn chuẩn bị là quy trình làm nón. Lá cọ sau khi lấy về sẽ được sấy khô. Sử dụng bếp than để sấy lá, lưu ý là không được phơi lá dưới nắng. Sau khi sấy xong thì phải đem lá để qua đêm từ 2 đến 5 giờ cho lá mềm. Tiếp theo, sử dụng bàn là, là phẳng. Sau khi lau lại lá cho sạch, cắt lá thành cùng một độ dài 50 cm.
Tiếp đến là khung nón. Khung nón được tạo thành từ 16 chiếc nan lớn nhỏ khác nhau. Người thợ dùng mác sắt để chuốt nan tre. Nan phải tròn đều và có độ dẻo vừa phải. Uốn nan thành những vòng tròn từ lớn đến nhỏ. Sau khi có khung, người thợ tiến hành đan nón. Lá nón xếp lên khung phải đều tay và không được xộc xệch. Khi khâu nón, bên cạnh sự tỉ mỉ, khéo léo thì còn rất cần sự chính xác, tập trung của người thợ. Nón khi hoàn thành sẽ được quét một lớp dầu bóng. Sau đó, buộc thêm dây để làm quai. Để chiếc nón đẹp đẽ và lạ mắt, người ta hay dùng chỉ để thêu các hình thù xinh xắn như: hoa lá, chữ, cảnh thiên nhiên lên vành nón. Người ta thường dùng các túi ni lông, bọc lấy vành để bảo quản và giữ vẻ đẹp lâu dài cho nón.
Từ xa xưa, người nông dân Việt Nam Nam đã dùng nón để che nắng che mưa, tát nước. Nón là chiếc quạt của mỗi buổi trưa hè. Chiếc nón gắn bó và trở thành một người bạn thân thiết đối với con người lao động. Theo thời gian, nón lá dần trở nên phổ biến, có mặt ở khắp mọi miền đất nước từ Nam ra Bắc. Người ta dùng nón vào rất nhiều các hoạt động hằng ngày của đời sống. Nón còn là món quà lưu niệm ý nghĩa, là chất liệu trong thơ, ca, nhạc họa. Chiếc nón đã thổi hồn vào nghệ thuật, tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt không thể trộn lẫn. Cùng với tà áo dài Việt Nam, nón lá đã dần tạo nên nét đẹp truyền thống trong nền văn hóa của dân tộc.
Nhắc tới Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay đến nón lá như một biểu tượng của đất nước hình chữ S. Từ bàn tay lao động cần cù, chăm chỉ, nón lá chính là sản phẩm tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm:  Giải thích nhan đề “Tức nước vỡ bờ” hay, ngắn gọn nhất

Để lại Lời nhắn