Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô Hà Nội. Danh thắng này cũng thường xuyên được đưa vào đề tập làm văn thuyết minh cho học sinh lớp 8. Dưới đây là bài thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám đầy đủ nhất để bạn tham khảo.
Văn mẫu thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám
Vua Lý Thái Tổ ghi dấu trong lịch sử bằng sự kiện dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Kinh đô mới được đặt tên là Thăng Long, ngụ ý triều đại hùng mạnh thăng hoa như rồng bay. Trải qua nhiều biến loạn, Hà thành vẫn giữ trong lòng những di tích vàng son của thời phong kiến. Nổi tiếng bậc nhất trong số đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Di tích này được xây dựng vào năm 1076 tại phía Nam kinh thành, dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là nơi thờ danh nhân văn hóa, dùng để tổ chức các kỳ thi lớn như tiến sĩ… Mục đích thành lập Văn Miếu ban đầu chỉ để dạy học cho con vua và con các đại thần. Tuy nhiên về sau đã mở rộng để người tài trên cả nước có cơ hội học tập. Vị “hiệu trưởng” đầu tiên của ngôi trường đặc biệt này chính là Chu Văn An. Ông được cất nhắc làm Quốc Tử giám Tư nghiệp và trực tiếp trông coi việc học cho hoàng tử. Chu Văn An mất năm 1370 và được thờ tại Văn Miếu, bên cạnh Khổng Tử.
Văn Miếu có kiến trúc độc đáo, là điểm đến văn hóa không thể bỏ qua khi thăm Hà Nội. Nơi đây được xây dựng trên khu đất có diện tích 54.331 m2. Bao gồm các điểm đến là Hồ Văn, vườn Giám và nội tự, được bao quanh bởi tường gạch vồ. Nhiều tài liệu thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi chép nơi đây xây dựng bằng gỗ lim. Ngoài ra còn có gạch đất nung và ngói mũi hàng. Do đó, tổng thể kiến trúc mang đậm những nét đặc trưng của thời Lê – Nguyễn. Dạo quanh những mái tường rêu, chúng ta không khỏi thán phục bàn tay tài hoa của những người thợ. Đã tạo nên một Văn Miếu uy nghi, cổ kính, xứng danh “thánh đường học thuật” của triều đại xưa.
Đối diện cổng chính Văn Miếu là một hồ nước trong xanh rất đẹp, đó là Hồ Văn. Còn có tên khác là Hồ Giám hay Hồ Minh Giám. Vì trải qua nhiều hư hại, hồ đã qua nhiều đợt trùng tu. Giữa hồ có một gò, gọi là gò Kim Châu. Cảnh quan quanh hồ rất xanh mát, thoáng đãng. Mang đến cho chúng ta cảm giác thoải mái, dễ chịu vô cùng.
Bước chân vào cửa Văn Miếu, bạn sẽ bắt gặp ngay chữ Văn Miếu Môn tại cổng chính. Bên ngoài cổng là đôi rồng đá triều Lê, tiếp đến là đôi rồng đá triều Nguyễn. Tiếp đến bạn sẽ di chuyển tới Khuê Văn Các. Nơi đây là ngôi lầu gồm 2 tầng và 8 mái rất thoáng rộng. Sĩ tử đến đây để bình phẩm thơ văn, vậy nên có cái tên rất nên thơ là “khuê văn”. Bốn bên tường gác là những cửa sổ tròn hình mặt trời. Ở tầng dưới là các trụ gach được chạm trổ hoa văn rất đẹp.
Khu tiếp theo là Thiên Quang Tỉnh ở giữa Khuê Văn Các và Đại Thành Môn. Nơi đây còn có tên khác là Giếng Thiên Quang (giếng soi ánh sáng mặt trời). Đây thực chất là một cái hồ có hình vuông, sát bờ hồ là lối đi và 82 tấm bia. Đây là những bia bằng đá xanh lưu tên họ quê quán của những người đã đỗ Tiến sĩ triều Lê.
Trong đó có những cái tên rất đỗi quen thuộc của các danh nhân Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn… Các hàng bia này dựng theo 2 hướng Đông và Tây, mỗi hướng có 2 dãy bia. Bia được đặt trên lưng các cụ rùa một cách trang trọng. Theo quan niệm truyền thống, rùa là biểu tượng của sự trường thọ và khôn ngoan.
Đọc thêm bài viết: Bài văn thuyết minh về lăng Bác lớp 8 đặc sắc nhất
Nối tiếp khu vực bia tiến sĩ và hồ Thiên Quang Tỉnh, bạn sẽ đến với Cửa Đại Thành. Sau cánh cửa này là một khoảng sân bát ngát rộng hàng nghìn mét vuông. Hãy cảm nhận sự mát mẻ của từng viên gạch Bát Tràng dưới chân. Hai bên sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu. Đây là nơi tổ chức các lớp học trước kia. Hiện nay, thành phố Hà Nội sử dụng nơi này để tổ chức những sự kiện văn hóa quan trọng. Hai dãy Hữu Vu và Tả Vu cũng trở thành khu triển lãm, kinh doanh đồ lưu niệm.
Trước mặt là Đại Bái Đường kéo dài hết chiều rộng của sân. Nơi đây kết hợp với Tả Vu và Hữu Vu tạo thành kiến trúc chữ U truyền thống. Nằm phía sau, song song với Đại Bái Đường là tòa Thượng Điện. Đây là gian nhà cực lớn có 9 gian với 3 phía tường xây, mái cong tôn nghiêm. Ngày trước, đây là nơi chuyên để thờ cúng và phục vụ cho việc học. Đến nay, nơi này chỉ còn thờ đức Khổng Tử và các vị danh nhân. Tại gian chính Thượng Điện đặt một ngai lớn có thờ tượng đồng và bài vi của Khổng Tử. Hai gian phải trái dùng để thờ các vị Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử và Tử Tư. Không chỉ có bài vị, cả 4 vị đều có tượng gỗ sơn thếp rất đẹp.
Phía sau Thượng Điện là khu Khải Thánh. Nơi đây thờ cha mẹ của Khổng Tử. Cuối cùng là khu Tiền đường và Hậu đường. Kiến trúc gốc của Văn Miếu Quốc Tử Giám không có khu này. Đây là công trình nằm trong dự án trùng tu được khởi công giữa năm 1999. Khu vực Tiền đường có 9 gian với 40 cột gỗ lim đỡ phần mái.
Đây là nơi biểu dương tinh thần ham học và truyền thống tôn sư trọng đạo. Ngoài ra, có rất nhiều hội thảo, chương trình văn hóa nghệ thuật đã được tổ chức tại đây. Nhà Hậu đường gồm có 2 tầng. Tầng một dùng làm nơi thờ Chu Văn An. Tầng hai để thờ vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Đây là những vị vua có công xây dựng và phát triển nền Nho học nước nhà.
Bên ngoài Hậu đường là nhà chuông và nhà trống. Nhà chuông là nơi lưu giữ chuông Bích Ung. Chiếc chuông này do Tri Quốc Tử Giám Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm cho đúc vào năm 1768. Chuông Bích Ung có chiều cao 109cm. Quai chuông đúc hình rồng 2 đầu tinh xảo, đầu rồng ngậm ngọc. Thân chuông hình trụ, 2 ô có minh văn khắc bằng chữ Hán.
Đế chuông loe rộng và được trang trí với hình cánh sen kép rất đẹp. Vai chuông được khắc 4 chữ Hán: “Bích Ung đại chung”. Ngày nay, chuông vẫn được gióng lên trong các buổi tham quan cho học sinh khi đến thăm Văn Miếu. Tiếng chuông ấm và rền là ấn tượng rất khó phai trong lòng những du khách từng đến nơi đây.
Ngoài ra bên ngoài Hậu đường còn có nhà trống, trưng bày trống lớn màu đỏ son. Bên cạnh đó còn những hiện vật quý có giá trị lịch sử khác. Như tấm khánh mặt trong khắc 2 chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài minh theo lối chữ lệ. Nội dung bài minh nói về công dụng của loại nhạc cụ này.
Nơi cuối cùng tại Văn Miếu mà bạn nên tham quan chính là Trường Quốc Tử Giám. Nơi đây dùng làm chỗ dạy học, tuyển chọn những bậc hiền nhân học cao hiểu rộng. Họ có nhiệm vụ dạy và hỗ trợ nâng cao kiến thức cho vua. Rất nhiều bậc danh sư đã từng cống hiến tại đây như Chu Văn An, Bùi Quốc Khải…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quần thể kiến trúc Văn Miếu vẫn giữ được nét truyền thống. Đó là sự uy nghiêm, vàng son của cả một triều đại. Là sự phát triển rực rỡ của Nho giáo và là biểu tượng chính thức đầu tiên của giáo dục. Văn Miếu hôm nay vẫn là điểm đến văn hóa được rất nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Không chỉ là để chiêm ngưỡng kiến trúc cổ mà còn để hiểu hơn về lịch sử của dân tộc.
Trên đây là bài thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám được tổng hợp đầy đủ nhất. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hoàn thành bài văn của mình tốt và sáng tạo hơn.