Dàn ý
1.Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu về cái quạt (vật dụng quen thuộc trong đời sống thường ngày).
2.Thân bài
2.1.Phân loại:
Có nhiều loại quạt khác nhau, cơ bản chia làm 2 loại
– Quạt thủ công:
- Quạt nan: quạt bản tròn, có tay cầm, thường làm bằng các chất liệu khác nhau như: mo cau, lá cọ, nhựa dẻo,…
- Quạt xếp: hình bán nguyệt khi xòe rộng, có thể xếp lại, thường làm bằng giấy hoặc vải dán trên khung xòe từ thanh tre nứa vót mỏng, ngày nay còn có loại làm bằng nhựa,…
– Quạt điện: cấu tạo chủ yếu gồm động cơ điện, cánh quạt,..
2.2.Đặc điểm:
– Quạt thủ công:
+ Có giá thành trên thị trường tương đối rẻ (tùy loại)
+ Có thể tự làm dễ dàng tại nhà với nguyên vật liệu có sẵn.
+ Trên quạt thường có tranh vẽ, chữ viết, hoa văn,…
+ Màu sắc phong phú, đa dạng,…
– Quạt điện:
+ Cấu tạo tương đối phức tạp nên không thể tự sản xuất ở nhà.
+ Nhiều kiểu dáng, màu sắc và kích cỡ.
+ Hoạt động khi được kết nối với nguồn điện.
+ Phổ biến trong đời sống hiện đại.
2.3.Vai trò:
– Quạt điện hay quạt thủ công đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra gió giúp làm mát trong thời tiết nóng.
– Quạt thủ công có thể dùng trang trí, trưng bày, làm dụng cụ dùng trong nghệ thuật ca múa, nhạc kịch,…
2.4.Ý nghĩa:
– Là vật dụng quen thuộc, hữu ích và cần thiết trong đời sống.
– Thể hiện trí tuệ của con người trong việc sáng tạo ra vật dụng giúp cuộc sống thoải mái hơn.
– Góp phần thể hiện và truyền lưu văn hóa nghệ thuật (tranh vẽ, chữ viết trên quạt,..).
3.Kết bài
Tổng kết suy nghĩ, cảm nhận của em về cái quạt (vật dụng có ích, không thể thiếu,…).
Bài viết
Quạt là đồ dùng vô cùng gần gũi với người dân. Chiếc quạt đã tạo ra gió làm dịu đi cái nóng của mùa hè đối với con người. Không những thế, nó còn giúp con người ngủ ngon hơn, thoải mái hơn.
Quạt bây giờ có quạt điện và quạt thủ công. Tuy chúng có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng đều có công dụng là làm mát. Ngoài ra quạt thủ công còn là đồ vật trang trí trong nhà, biểu diễn nghệ thuật.
Quạt thủ công đã xuất hiện từ rất lâu đời. Bà la sát đã dùng chiếc quạt ba tiêu của mình để quạt Tôn Ngộ Không bay xa tới mười nghìn dặm chỉ một cái vung tay. Tác giả Ngô Thừa Ân đã nói quá sức mạnh của chiếc quạt. Nhưng thật sự quạt thủ công đã có vai trò rất lớn trong xã hội cũ. Từ vua chúa sử dụng những chiếc quạt làm bằng lông vũ xinh đẹp để tạo sự thoải mái trong giấc ngủ trưa đến các sĩ tử dùng quạt giấy để biểu thị sự nho nhã, có học của mình trước mọi người. Bây giờ, quạt thủ công chủ yếu là quạt giấy và quạt nan. Theo đúng tên gọi của nó, nguyên liệu làm quạt là giấy và nan tre nhỏ, mảnh. Người ta làm quạt theo một hình mẫu nhưng bây giờ có rất nhiều mẫu đẹp như hình rồng, hình phượng…
Hồi nhỏ, tôi đã thắc mắc, nghi ngờ quạt điện quay được là do có sức mạnh kì diệu nào ẩn chứa trong đó. Những suy nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu tôi.
Bây giờ, tôi đã biết tại sao quạt điện lại tự chạy được. Trong quạt có bộ phận được gọi là roto và stato. Khi ta cắm phích điện vào ổ thì có một luồng điện truyền vào roto làm roto quay. Roto gắn với thanh sắt nối với cánh quạt. Vì vậy khi roto quay thì cánh quạt quay và tạo ra gió. Bộ phận chính của quạt là trục quay và phần điều chỉnh. Trục quay chính là stato, roto và cánh quạt. Còn phần điều chỉnh là các nút bấm. Ngoài ra, vỏ và lồng bảo vệ cánh quạt cũng là bộ phận không thể thiếu để làm nên chiếc quạt hoàn chỉnh. Chiếc quạt cóc gắn liền với nhân dân ta nửa cuối thế kỷ XX đã bị đào thải trên thị trường. Giờ đây có vô cùng những sản phẩm quạt điện từ bình dân đến đắt giá, sang trọng. Từ chiếc “để bàn MD” đến “điều khiểu Euro”. Từ “Quạt cây ASIA” đến “quạt trần nhỏ xíu mắc màn”. Tất cả đều là số ít trong hàng loạt sản phẩm quạt điện ngày nay. Tuy chỉ biết công đoạn dây chuyền để sản xuất quạt điện nhưng tôi vẫn công nhận rằng người phát minh ra động cơ điện là thiên tài.
Giờ đây, công nghệ làm mát hiện đại như máy điều hoà, máy lạnh đã quen thuộc trên thị trường, nhưng những chiếc quạt có lẽ sẽ luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Bởi lẽ, luồng gió mát do quạt đem lại đã gắn bó với bao thế hệ người !