Từ một chủ trương đúng.
Vẫn con người ấy, đồng đất ấy nhưng trước đây cuộc sống của người dân thôn Khuôn Bang rất khó khăn. Hơn 40 hộ dân trong thôn quanh năm, tần tảo, bám vào hơn chục ha ruộng cấy lúa hai vụ mà cuộc sống vẫn khó khăn. Vào dịp nông nhàn, nhiều hộ xuôi ngược đi kiếm việc làm để tăng thêm thu nhập. Đất đồi rộng mênh mông, nhưng người dân cứ loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Hàng trăm ha đất đồi cứ bỏ hoang, những diện tích đất đồi có rừng thì là rừng tự nhiên nghèo kiệt không đem lại hiệu quả kinh tế.
Xem thêm: Làm sao để tăng độ phì nhiêu của đất
Trước năm 2000 cây chè đã có ở vùng này nhưng rải rác ở các gia đình, mỗi nhà trồng một vài cây ở đầu nhà để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền xã Như Cố rất trăn trở, bàn tìm hướng để giúp Khuôn Bang thoát nghèo. Định hướng trước mắt là xác định được lợi thế, tiềm năng đất đai, khí hậu của địa phương, trên cơ sở đó chọn một số loại cây trồng phù hợp làm cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Thời gian đầu đưa vào trồng thử những loại cây trồng như: vải thiều, dưa hấu và chè. Sau một vài năm thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu và đồng đất ở Khuôn Bang. Chè trồng ở vùng này phát triển rất tốt, năng suất cao, chất lượng chè ngon.
Xem thêm: Kỹ thuật chiết cành xoài
Thấy được tiềm năng từ phát triển cây chè, xã Như Cố đã tiến hành quy hoạch phát triển vùng trồng chè, đẩy mạnh vận động nhân dân địa phương phát triển cây chè, trong đó có Khuôn Bang. Mới đầu, sự hưởng ứng của nhân dân dân chưa cao, nhiều hộ chưa thực sự tin tưởng vào chủ trương này. Trên tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” chi bộ thôn Khuôn Bang đã vận động các cán bộ, đảng viên đi đầu thực hiện chủ trương phát triển, mở rộng vùng trồng chè. Ông Vũ Xuân Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ thôn và ông Vũ Sơn Hà – Trưởng thôn Khuôn Bang là những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng vùng trồng chè.
Xem thêm: làm giàu nhờ trồng sâm Ngọc Linh
Chè giống lúc đầu chỉ là những hạt chè thu hái từ những cây chè già ở đầu nhà. Từ hai ông Hồng, Hà nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn làm theo. Các hộ cho nhau hạt chè giống để cùng trồng. Thế là từ mấy chục cây chè già, Khuôn Bang đã mở rộng ra vài ha, rồi hàng chục ha chè được trồng mới. Những quả đồi trọc đã dần phủ một mầu xanh mơn mởn của chè. Để giúp Khuôn Bang khai thác tốt tiềm năng phát triển vùng chè, huyện Chợ Mới đã đưa giống chè cành vào phát triển ở vùng này, giúp người nông dân rút ngắn thời gian cho thu hoạch của cây chè và năng suất cao hơn. Cùng với đó, huyện đã ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích người dân trồng chè như: Đối với hộ nghèo hỗ trợ 100% giá trị giống chè cành và vật tư, phân bón, những hộ dân không thuộc diện hộ nghèo thì được hỗ trợ với mức 50 – 60% giá trị giống chè cành và vật tư phân bón. Hàng năm, cán bộ phòng Nông lâm huyện phối hợp với xã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cách chế biến chè theo đúng kỹ thuật. Thế là sau bảy năm, từ một chủ trương đúng, kết hợp với chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nông dân trồng chè đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mới có hiệu quả ở Khuôn Bang. Đến thời điểm này, 49 hộ dân ở Khuôn Bang đã phát triển vùng chè lên đến gần 20ha.
Cây chè – cây xoá đói giảm nghèo. Xem thêm: Kỹ thuật trồng ớt sừng trâu Gia đình ông Vũ Xuân Hồng là một trong những hộ dân phát triển cây chè đầu tiên ở Khuôn Bang. Đến nay gia đình ông đã trồng được 0,8ha chè, diện tích chè trên cho thu hoạch từ năm 2003. Hiện nay, mỗi tháng gia đình ông thu 100kg chè búp khô, với giá bán 26.000 đến 27.000đồng/kg chè búp khô thu về cho gia đình từ 2,6 đến 2,7 triệu đồng, mỗi năm chè thu hoạch được 8 lứa. Như vậy, mỗi năm thu nhập từ bán chè búp khô đem lại cho gia đình ông Hồng hơn 20 triệu đồng.
Trưởng thôn Vũ Sơn Hà cho biết, hiện nay ở thôn Khuôn Bang bình quân mỗi hộ trồng được từ 0,3 – 0,4ha chè và hầu hết mỗi hộ đều đầu tư từ 3 – 4 triệu đồng để xây dựng một lò chế biến chè. Sản lượng chè búp khô mỗi tháng đạt sấp sỉ 1 tấn, tính riêng thu nhập từ chè mỗi tháng người dân Khuôn Bang thu được khoảng 27 triệu đồng. Nhờ cây chè nhiều hộ dân trong thôn đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống thoát khỏi cảnh khó khăn vươn lên khá giàu. Điển hình như gia đình ông Dương Văn Trọng, Hoàng Văn Hùng, Dương Văn Hải đã làm được nhà khang trang, sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền phục vụ cuộc sống như: xe máy, ti vi, và các vận dụng khác.
Cây chè thực sự là cây xoá đói giảm nghèo cho Khuôn Bang, nhờ cây chè đời sống của người dân thôn Khuôn Bang đã được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh. Hiện thôn chỉ còn 16 hộ thuộc diện nghèo (theo tiêu chí mới). Trưởng thôn Vũ Sơn Hà tâm sự: Nhớ lại năm tỉnh mới tái lập, cuộc sống của người dân thôn Khuôn Bang rất khó khăn, cả thôn có 6 xe máy Minkhơ, nhưng đến nay kể cả hộ thuộc diện nghèo của thôn cũng mua được xe máy phục vụ đi lại, gần 100% số hộ có xe máy, nhiều hộ có từ 2 – 3 xe, gần 100% số hộ có tivi, nhiều hộ vươn lên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ cuộc sống. Cùng với phát triển kinh tế, Khuôn Bang là một khu dân cư điển hình trong việc đoàn kết, xây dựng làng văn hoá. Hơn chục năm nay luôn đơn vị đạt danh hiệu làng văn hoá các cấp, mới đây được tỉnh công nhận là Làng văn hoá cấp tỉnh.
Phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hoá.
Hàng năm, Khuôn Bang vẫn tiếp tục mở rộng vùng trồng chè, bình quân mỗi năm thôn trồng mới được từ 1- 2ha chè. Theo ông Vũ Sơn Hà thì diện tích đất trồng chè còn khá rộng, ước khoảng 200ha. Như vậy, vùng chè mới trồng chiếm khoảng 1/10 diện tích, tiềm năng phát triển vùng chè còn rất lớn, phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hoá sẽ là hướng phát triển hiệu quả, góp phần tích cực xoá đói giảm nghèo. Tuy vậy, thực hiện được điều này cần vận động nhân dân chuyển hẳn sang chuyên canh cây chè. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa tập huấn kiến thức về trồng, chăm sóc chè theo khoa học cho người dân địa phương, xây dựng vùng chè sạch chất lượng cao có đủ sức cạnh tranh với thị trường, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm chè.
Hiện huyện Chợ Mới đang đầu tư xây dựng một cơ sở chế biến chè tại xã Như Cố, đây là tín hiệu vui cho người dân trồng chè ở Khuôn Bang và vùng lân cận. Tuy vậy, để cây chè ở Khuôn Bang thực sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá thì cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành địa phương. Đặc biệt là có cơ chế khuyến khích người trồng chè như: Tạo điều kiện về vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chế biến và đầu ra ổn định cho sản phẩm chè.
|