Dàn ý
Mở bài
– Giới thiệu về trò chơi thả diều.
+ Trò chơi thả diều là một trò chơi gắn bó, thân thuộc ở làng quê Việt Nam.
+ Đây là một trò chơi dân gian rất vui và thu hút nhiều trẻ con cũng như người lớn.
Thân bài
– Nguồn gốc xuất xứ
+ Trung Quốc là quê hương của trò chơi thả diều. Thả diều có nguồn gốc từ nghệ thuật làm mo vào thời cổ đại của người Trung Quốc cách đây 2800 năm. Chiếc diều đầu tiên có thể đã xuất hiện vào thời kỳ Xuân Thu do người thợ nước Lỗ có tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo thành.
+ Vào thời cổ đại mỗi dịp tết Thanh Minh, sau khi làm lễ cúng bái tổ tiên, người dân Trung Quốc đều có phong tục thả diều. Họ cho rằng, thả diều có thể xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy.
+ Qua thời gian trò chơi thả diều được du nhập đến nhiều nước trong đó có Việt Nam.
– Nguyên liệu làm diều:
+ Giấy hoặc vải lụa, nilong…
+ Những thanh tre được vót sẵn
+ Kéo, dao, hồ, keo, băng dính…
+ Cuộn dây
+ Bút vẽ
– Cách làm:
+ Làm khung diều bằng những thanh tre. Sau khi đã cắt thành những đoạn tre thẳng với kích thước nhất định thì dùng keo gắn chúng lại với nhau. Tùy theo hình của cánh diều mà ta gắn khung cho phù hợp.
+ Chỉ cần cắt giấy, vải hoặc nilong theo kích thước của khung.
+ Sau đó, dán lên trên mặt khung.
+ Có thể vẽ hình thù hay tô lên trên mặt diều.
+ Cuối cùng là buộc đầu của cuộn dây vào phần khung.
– Cách chơi:
+ Đầu tiên cầm dây diều nâng lên và chạy nhẹ nhàng cho diều bắt vào gió và bay lên.
+ Sau đó chỉ cần điều chỉnh dây diều.
– Công dụng:
+ Thả diều như một môn thể thao giúp tăng cường sức khỏe.
+ Giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
+ Trò chơi gần gũi, thân thiện.
+ Giúp chúng ta có thể tái tạo những vật dụng bỏ đi như những đoạn tre, giấy, vải thừa để làm diều.
+ Giúp trẻ đưa những ước mơ của mình vào cánh diều và thả bay lên cao.
– Bảo quản:
+ Không chọc rách diều.
+ Không dẫm chân lên làm gãy khung diều.
+ Vì dùng keo dán nên tránh để diều gặp nước đặc biệt đối với diều giấy.
Kết bài
– Cảm nhận của bản thân về trò chơi thả diều.
Bài văn mẫu
Hình ảnh những cánh diều bay trên bầu trời trong xanh đã là nguồn cảm hứng bất tận cho các họa sĩ, thi sĩ. Trong bài thơ “Thả diều” nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:
Cánh diều no gió
Sáo nó thổi vang
Sao trời trôi qua
Diều thành trăng vàng.
Trò chơi thả diều đã gắn bó, thân thuộc với những con người ở làng quê Việt Nam. Dù là người lớn hay trẻ con đều thích chơi thả diều.
Vậy trò chơi thả diều ra đời từ khi nào? Thả diều có nguồn gốc từ nghệ thuật làm mo vào thời cổ đại của người Trung Quốc cách đây 2800 năm. Trung Quốc chính là quê hương của trò chơi thả diều. Chiếc diều đầu tiên có thể đã xuất hiện vào thời kỳ Xuân Thu do người thợ nước Lỗ có tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo thành.
Vào thời cổ đại mỗi dịp tết Thanh Minh, sau khi làm lễ cúng bái tổ tiên, người dân Trung Quốc đều có phong tục thả diều. Họ cho rằng, thả diều có thể xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy.
Qua thời gian trò chơi thả diều được du nhập đến nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Diều được làm từ những nguyên liệu rất gần gũi, dễ kiếm và thân thiện với môi trường. Đó là giấy hoặc vải lụa, nilong… và những thanh tre được vót sẵn. Bên cạnh đó còn cần có kéo, dao, hồ, keo, băng dính… Để thả được lên trời thì không thể thiếu những cuộn dây. Khi muốn trang trí cho diều thêm đẹp thì có thể dùng bút vẽ.
Cách làm diều thì cũng khá đơn giản nhưng cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Trước tiên là làm khung diều. Khung diều được làm từ những thanh tre. Sau khi đã cắt thành những đoạn tre thẳng với kích thước nhất định thì dùng keo gắn chúng lại với nhau. Tùy theo hình của cánh diều mà ta gắn khung cho phù hợp.
Tiếp theo chúng ta cắt giấy, vải hoặc nilong theo kích thước của khung và hình thù của diều mà chúng ta muốn. Sau đó, dán lên trên mặt khung. Có thể vẽ hình hay tô lên trên mặt diều.
Cuối cùng là buộc đầu của cuộn dây vào phần khung.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà diều được làm với những kích thước và hình dáng khác nhau: hình mặt trăng, hình con bướm, đèn lồng…
Để thả diều bay lên trên cao đầu tiên cầm dây diều nâng lên và chạy nhẹ nhàng cho diều bắt vào gió và bay lên. Sau đó chỉ cần điều chỉnh dây diều. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thả được diều lên thì đòi hỏi sự khéo léo rất nhiều.
Trò chơi thả diều mang lại rất nhiều lợi ích. Thả diều như một môn thể thao giúp tăng cường sức khỏe. Giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Đây còn là một trò chơi gần gũi, thân thiện. Trẻ con có thể cùng bạn bè chơi với nhau trên những cánh đồng, trên đoạn đường làng. Chứ không phải như xã hội hiện đại chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính. Những cánh diều bay trên bầu trời như giúp trẻ đưa ước mơ của mình thả bay lên cao. Đặc biệt, chúng ta có thể tái tạo những vật dụng bỏ đi như những đoạn tre, giấy, vải thừa để làm diều.
Bởi vậy nên chúng ta phải giữ gìn diều thật tốt. Không chọc rách cánh diều. Không dẫm chân lên làm gãy khung diều. Và vì được dán bằng keo nên hạn chế tiếp xúc với nước đặc biệt đối với diều bằng giấy.
Như vậy, trò chơi thả diều là một trò chơi rất thú vị, hấp dẫn và gần gũi. Vì vậy, trò chơi ấy vần được gìn giữ cả hiện tại và tương lai.