Trên phù sa đất mới

… Thiên tai bất kỳ, mùa màng đã mất trắng, phải xắn tay lên “củng cố” lại sản xuất. Phải không các anh, các chị? Anh nông dân tên Tâm, thôn Trung Thành 1, bằng giọng khỏe khoắn, mộc mạc nhưng chất chứa niềm tin tâm sự với chúng tôi như thế. Những người nông dân sau hoạn nạn lại càng nhẫn nại vượt khó vươn lên…

Thông báo:  Giáo án, tài liệu miễn phí, và các giải đáp sự cố khi dạy online có tại Nhóm giáo viên 4.0 mọi người tham gia để tải tài liệu, giáo án, và kinh nghiệm giáo dục nhé!

 

Cánh đồng trước trụ sở UBND xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) cách đây chỉ chừng nửa tháng xơ xác những xác ngô non bị vùi trong bùn, đất. Hôm nay trở lại đã có một màu xanh non hút tầm mắt của trà ngô gieo sau lụt. Các cán bộ nông nghiệp cũng đang xuống đồng kiểm tra, động viên và phổ biến kiến thức gieo trồng cho bà con. Men theo những rãnh đất ruộng còn hăng hăng mùi bùn, chúng tôi tới bắt chuyện với chị Đỗ Thị Khang, thôn Hạ Long, xã Xuân Hòa lúc chị đang cặm cụi nhổ cỏ, xới đất và bắt sâu cho ngô. Trên khuôn mặt sạm nắng đã bắt đầu ánh lên những hy vọng mới. Gia đình chị trồng 4 sào ngô đông với vốn đầu tư khoảng 1 triệu đồng. Ngô đang lên mơn mởn thì lũ về làm hư hại toàn bộ. Xót xa giấu vào lòng và được sự động viên của các cấp chính quyền, hỗ trợ giống ngô, gia đình chị đã vay mượn thêm 600.000 đồng để mua phân bón, trồng lại 2 sào ngô. Thời vụ ngô đã qua, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi nên cây ngô sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ngô đã cao khoảng 30 phân và trổ 6 lá. Mồ hôi trộn lẫn với phù sa nuôi cho những thân ngô thêm cứng cáp, và lại khấp khởi nuôi hy vọng cho thời tiết thuận lợi để may chăng khi thu hoạch gia đình chị thu hồi lại được tiền vốn. 
Xem thêm: làm sao để tăng độ phì nhiêu của đất
Từ thôn Hạ Long, sang thôn Trung Thành 1, nơi có diện tích đất bãi lớn bị thiệt hại sau lụt. Những ngày nắng vừa qua đã hong khô đất, bà con đang tay cày, tay bừa, tay vồ lật, xới, đập đất, đánh luống, lót vôi chuẩn bị đưa khoai tây xuống trồng.
 
– Thiên tai bất kỳ, mùa màng đã mất trắng phải xắn tay lên “củng cố” lại sản xuất. Phải không các anh, các chị? – Anh nông dân tên Tâm, thôn Trung Thành 1, bằng giọng khỏe khoắn, mộc mạc nhưng chất chứa niềm tin tâm sự với chúng tôi. Rồi anh khoe với chúng tôi nơi ủ khoai tây, những củ khoai tròn mập mạp trên nền cát ẩm đã lấm tấm những mầm, chồi trắng, chắc cũng đang tha thiết phù sa đất bãi. Chứng kiến những người nông dân đang hăng hái khôi phục sản xuất, chúng tôi cảm nhận được niềm tin đang được ươm mầm và lớn lên như những hạt mầm đang vươn mình trên phù sa mới. Chị Ngô Thị Loan, phó phòng nông nghiệp huyện chia sẻ niềm vui này với chúng tôi: Thọ Xuân là mảnh đất có truyền thống trồng vụ đông, những năm gần đây do giá nông sản tăng nên nông dân cũng phấn khởi và yên tâm. Hiện tại, toàn huyện có 6.500ha đất trồng vụ đông, trong đó có 3.500ha trồng ngô, còn lại là các loại rau đậu khác. Trước lũ do điều kiện thu hoạch, giải phóng đất vụ mùa được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nên diện tích ngô gieo trồng vượt kế hoạch, đạt 3.950ha.
Tuy nhiên sau lụt đã có khoảng 700ha ngô, cùng khoảng 2.900ha rau màu các loại (kể cả mía) bị hư hại. Ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã chỉ đạo cán bộ về các xã để nắm tình hình thiệt hại, đồng thời đấu mối với tỉnh và Công ty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa để cung ứng các giống ngô ngắn ngày như CP3Q, MX4, MX2, C919…  giúp bà con khôi phục sản xuất. Đến nay huyện đã đấu mối cung ứng được 14 tấn ngô để hỗ trợ miễn phí cho bà con nông dân khôi phục lại diện tích ngô bị thiệt hại theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh. Do công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời; đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật xuống tận nơi để động viên, đôn đốc, hướng dẫn, cùng với tinh thần chủ động, tích cực của bà con nông dân nên gần như toàn bộ diện tích ngô cơ bản được khôi phục (trừ khoảng 100ha đất bồi, đất bãi ven sông bị cát bồi lấp quá dày không thể sản xuất). Đối với những diện tích trồng ngô bị chậm thời vụ, huyện đang tập trung vận động, chỉ đạo, hướng dẫn bà con trồng khoai tây với diện tích khoảng 200ha. Hiện tại, huyện đã đấu mối với Công ty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa cung ứng, hỗ trợ được 160 tấn khoai tây (giống VT2 của Trung Quốc) hỗ trợ cho bà con sản xuất. Trước kia, việc trồng khoai tây trong vụ đông ở Thọ Xuân chỉ diễn ra lẻ tẻ do trồng khoai tây đòi hỏi cao về quy trình và thời vụ. Chính vì thế ngay sau khi cung ứng giống khoai, huyện Thọ Xuân đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật, phát tài liệu hướng dẫn cho các hộ dân trồng khoai tây.
Xem thêm: Kỹ thuật nuôi nhím thịt
Tất cả các địa phương, các đơn vị có yêu cầu huyện đều cử cán bộ xuống tận đồng để chỉ đạo, hướng dẫn bà con quy trình sản xuất. Ngoài trọng tâm là chăm sóc ngô, trồng khoai tây, huyện chủ trương mở rộng tối đa diện tích rau đậu, phấn đấu gieo trồng khoảng 2.000ha diện tích rau đậu các loại, đến 1-11 toàn huyện đã gieo trồng được khoảng 1.000ha rau đậu các loại.
 
Từ thị trấn Thọ Xuân ra Quốc lộ 47 qua các xã Tây Hồ, Bắc Lương, Xuân Phong, Thọ Lộc… năm nào cũng vậy cứ độ tháng 9 âm lịch là những cánh đồng Bàn Nan, Bờ Am, Sau Làng, Giữa Làng… xanh mướt màu xanh mỡ màng của ngô, khoai. Nhìn những ruộng ngô đang trổ cờ, phun râu hứa hẹn những hạt vàng no nê, chúng tôi lại bồi hồi nhìn lại phía Xuân Hòa, Thọ Lập, Xuân Lai… nơi những cánh đồng ngô sau lũ cũng đang vươn mình đón nắng lớn lên.
Có thể bạn quan tâm:  Bản mềm: Giáo án hoạt động ngoài giờ lên lớp lớp 1 cả năm
Theo THO

Để lại Lời nhắn