Trẻ con thì lúc nào cũng mơ mộng nhanh chóng được trở thành người lớn. Làm người lớn thật thích, không phải đi học, lại chẳng phải nghe theo lời ai. Mẹ tôi nói rằng trưởng thành là một quá trình dài và luôn bắt đầu từ bước chân nhỏ nhất. Dưới đây là một kỉ niệm mà tôi thấy mình đã khôn lớn.
Hôm ấy như thường lệ, sau giờ tan học tôi vui vẻ đạp xe về nhà. Mẹ tôi là một đầu bếp siêu đẳng, vì thế tôi chẳng bao giờ phải động tay phụ nấu nướng. Đi học về chỉ việc vứt cặp sách xuống, tắm rửa và ngồi vào bàn chén luôn. Trên đường về, nghĩ đến những món ngon của mẹ mà cái bụng của tôi bất giác réo ùng ục.
Nhưng vừa đến cửa nhà, tôi đã thấy lạ. Căn nhà im lìm tối. Tôi bước vào phòng và thấy mẹ đang thiêm thiếp ngủ. Sờ lên trán mẹ, nóng ran. Tôi hốt hoảng lay mẹ dậy, nhưng mẹ chỉ thều thào rằng mẹ mệt quá, để yên cho mẹ nghỉ. Chẳng biết vì sao đầu óc tôi bỗng sáng suốt lạ thường. Tôi nghĩ ngay đến bát cháo trứng mẹ hay nấu cho tôi mỗi lần tôi ốm sốt. Nghĩ là làm, tôi quyết định món đầu tiên tôi nấu sẽ là cháo trứng cho mẹ.
Tôi thấy mình đã khôn lớn đoạn tiếp theo
Thế nhưng… Trứng ở đâu nhỉ? Nấu bao nhiêu nước, bao nhiêu gạo là vừa? Tôi loay hoay, rồi bốc đại một nắm gạo bỏ vào nồi. Lần đầu nấu, nồi cháo đặc quánh vì thiếu nước. Tôi hốt hoảng một tay đổ thêm nước, một tay khuấy liên tục sợ cháy nồi. Lòng thầm cầu mong món này không đến mức dở tệ để mẹ còn nuốt được. Chắc mẹ đói lắm rồi.
Tham khảo thêm bài viết tả về mẹ.
Cuối cùng thì nồi cháo trứng “tuyệt hảo” của tôi cũng đã xong. Đỡ mẹ dậy đút cho mẹ từng muỗng, tôi cứ lo rằng mẹ ăn không ngon miệng. Thế nhưng mẹ đã ăn được cả chén, lại còn khen cháo tôi nấu ngon cơ. Ôi nở hết cả mũi! Sau đó tôi lấy nước cho mẹ uống thuốc, chườm khăn và để mẹ nghỉ. Bố tôi đi làm về còn bất ngờ lắm vì bố không nghĩ rằng tôi có thể… nấu ăn!
Hôm sau mẹ khỏi bệnh. Mẹ khen tôi đã lớn rồi, đã biết chăm sóc cho người khác. Tôi thấy mình đã khôn lớn, ít nhất có thể xoay sở được để nấu một nồi cháo đàng hoàng. Tôi sẽ cố gắng đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho hành trình trưởng thành của mình.
Bài văn mẫu 1
Trong cuộc sống có thể chúng ta đã từng mắc lỗi lầm. Và em cũng vậy. Có một lần em mắc lỗi và em cảm thấy mình đã trưởng thành hơn từ sự việc đó.
Em và Thắm là một đôi bạn chơi với nhau rất thân. Từ bé, Thắm chỉ sống cùng mẹ và bà ngoại nên bạn ấy có vẻ trầm tính và ít nói. Thế nhưng Thắm lại rất tốt bụng, hay giúp đỡ người khác nên mấy đứa trẻ con trong xóm ai cũng yêu quý Thắm. Chúng nó suốt ngày: “Chị Thắm ơi! Chị Thắm ơi!”.
Nhà Thắm ở gần nhà em. Và vì mẹ Thắm là bạn thân của mẹ em nên từ khi chúng em còn bé xíu đã chơi với nhau. Em lại trái ngược với Thắm. Em hay nghĩ ra nhiều trò để phá chứ không ngoan ngoãn như Thắm.
Vì Thắm chăm chỉ học nên khi đi học Thắm đều học ở lớp chọn. Lớp em học thì ngay cạnh lớp bạn ấy. Nhưng dù như thế thì chúng em vẫn chơi với nhau thân thiết như trước.
Hằng ngày sau khi tan học em và Thắm đều đợi nhau về nhà. Trên đường đi chúng em kể cho nhau nghe hôm nay học như thế nào, có vui không?
Cuối tuần chúng em đến nhà nhau chơi. Tâm sự với nhau rất nhiều điều. Cùng nhau chơi trò chơi.
Mọi ngày em và Thắm nếu ai được tan học trước sẽ đứng ở sân đợi người kia. Hôm ấy, sau khi tan học em đứng ở sân chờ Thắm. Trong khi các bạn ra về gần hết em đợi mãi không thấy Thắm ra. Lúc ấy em buồn và giận Thắm lắm vì bạn ấy đã bỏ em lại và về trước.
Hôm sau vì vẫn còn giận nên em đã không rủ Thắm đi học. Lúc về em cũng không chờ bạn ấy nữa. Và cứ thế, ba ngày sau em cũng không thấy Thắm đến tìm mình. Khi ấy em cảm thấy buồn và trống vắng lắm.
Thế rồi hôm ấy trong giờ giải lao, em đi ngang qua lớp Thắm. Em nhìn vào không thấy Thắm đâu. Rồi bỗng một giọng nói vang lên sau lưng em: “Thắm đỡ chưa vậy cậu?”. Thì ra là bạn lớp trưởng lớp Thắm. Em nghĩ bụng: “Đỡ gì nhỉ?”. Em hỏi bạn lớp trưởng: “Cậu nói vậy là sao?”.
Sau khi nghe bạn ấy nói xong em cảm thấy buồn lắm. Chưa khi nào em cảm thấy buồn và có lỗi như vậy. Thì ra hôm em đợi Thắm đó chính là hôm Thắm bị đau ruột thừa phải nhập viện.
Tan học, em chạy thật nhanh về nhà Thắm. Em thấy Thắm đang ngồi ở giường. Dù không muốn nhưng không hiểu sao đứng trước mặt Thắm em lại rơi nước mắt. Em nói: “Tớ xin lỗi”. Thắm chỉ mỉm cười với em và đáp lại: “Tớ không sao đâu mà”.
Kể từ hôm đó em thấy mình đã khôn lớn hơn. Trước mọi việc em đều suy nghĩ trước khi hành động. Và sau hôm đó, em với Thắm lại thân thiết như trước.
Bài văn mẫu 2
Đã bao giờ mọi người trốn học chưa? Em đã từng trốn học. Và lần đó đã để lại cho em những bài học mà em không thể quên. Rồi em nhận ra là em đã lớn khôn từ sau buổi hôm đó.
Cũng như mọi ngày bình thường, hôm ấy em đang trên con đường quen thuộc đến trường. Bỗng em gặp đám bạn trong xóm. Đó là những đứa học ở trường khác nhưng chúng em chơi với nhau từ khi còn nhỏ nên cũng khá thân. Chỉ là từ khi học khác trường thời gian chơi với nhau cũng ít hơn.
Hôm đó lớp chúng nó được nghỉ vì cô phải đi công tác. Và đang trên đường đi chơi xả stress thì bọn nó gặp em. Thế rồi em đã bị lôi kéo đi chơi. Ban đầu em không đi vì lí do là phải đi học. Nhưng sau đó, em nghĩ đến những ngày tháng học hành chăm chỉ bây giờ chơi tí cũng chẳng sao. Thế là em nhận lời đi chơi.
Bọn em đi chơi, đi ăn. Thế mà chẳng mấy chốc đã đến cuối ngày. Chúng em chào nhau rồi về. Lúc này em bắt đầu cảm thấy lo lắng. Liệu về nhà mình có bị mẹ mắng không nhỉ? Thế rồi về nhà, đúng như em suy đoán. Mẹ đang đứng ở cửa chờ em. Thấy em bước vào cổng, mẹ nói: “Hôm nay con đi đâu mà không đi học? Cô giáo vừa gọi điện cho mẹ xong”.
Em ấp úng chỉ bảo rằng hôm nay bạn rủ đi ăn sinh nhật thôi. Thế rồi một hồi lâu nghe mẹ mắng, em đã được mẹ cho đi lên phòng thay đồ. Em ức lắm. Lúc đó em rất ghét cô giáo chủ nhiệm. Tại sao cô lại mách với mẹ để mình bị ăn chửi chứ.
Sáng hôm sau, em lên lớp với tâm thế sẵn sàng trả lời câu hỏi của cô giáo chủ nhiệm về sự việc hôm qua. Mấy đứa bạn xung quanh thì đua nhau hỏi em là: “Cậu bị ốm à?”, “Cậu có sao không?”. Em chỉ mỉm cười và không nói gì. Khi cô bước vào lớp cô nhìn cả lớp rồi mỉm cười sau đó bắt đầu môn học như chưa có chuyện gì.
Em thầm nghĩ: “Cô đã quên rồi sao?”. Nhưng sau khi tan học, cô đã gọi em ở lại. Cô nhìn em với ánh mắt trìu mến: “Hôm qua em có bị ốm hay mệt ở đâu không? Cô đã gọi cho mẹ em vì cô rất lo lắng cho em”. Thì ra, cô biết là mẹ em hay đi làm xa, thỉnh thoảng em ở nhà một mình. Cô sợ em ốm mà ở nhà một mình không ai biết.
Thế là em đã trách nhầm cô. Kể từ hôm đó, em cảm thấy mình suy nghĩ chín chắn hơn trước mọi việc rất nhiều.