Truyền thống yêu thương qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”

Tình yêu thương là một trong những truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc ta. Không chỉ là tình thương gia đình mà còn là sẻ chia, đùm bọc với những hoàn cảnh khó khăn. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp này.

Thế nào là “lá lành” và “lá rách’?

Kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam rất phong phú với nhiều chủ đề khác nhau. Hầu hết đều lấy chính những hình ảnh thực tế để răn dạy cách sống của chúng ta. Câu tục ngữ trên có lẽ đã được đúc rút từ quan sát quá trình gói bánh. Thông thường, các loại bánh truyền thống như bánh chưng thường được gói bằng nhiều lớp lá. Các lớp lá bọc vào nhau, chồng lên nhau để giữ nhân bánh bên trong được nguyên vẹn. Trong quá trình gói, có thể vô tình làm rách lá hoặc có những mảnh lá không còn nguyên. Người ta sẽ lót những tấm lá đó vào trong và bọc bằng lá lành bên ngoài để che lại. Mục đích là để chiếc bánh đẹp hơn và không bị nứt trong khi nấu.

Hình tượng “lá lành” – “lá rách” trong câu tục ngữ là để ẩn dụ cho hoàn cảnh của con người. Trong cuộc sống, có người lành lặn, ấm êm, đủ đầy thì cũng không thiếu những mảnh đời bất hạnh. Ý nghĩa của câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” muốn khuyên răn chúng ta phải sống đoàn kết, nhân ái. Chia sẻ khó khăn với kẻ khác là phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ bao đời. Khi giúp đỡ kẻ khác, chúng ta cũng sẽ nhận được niềm vui, sự trân trọng tương xứng. Đó chính là nguồn gốc của “phúc đức” mà ông bà ta vẫn răn dạy con cháu trong đời.

Có thể bạn quan tâm:  Tóm tắt bài cổng trường mở ra - Bài văn mẫu lớp 7 hay nhất.

Liên hệ với thực tế cuộc sống

Mỗi ngày, ngoài kia, vẫn có rất nhiều phận đời vất vả, cực nhọc, bế tắc. Họ là những cụ già không nơi nương tựa, phải đi bán vé số, trông vào mớ rau nuôi thân. Đáng lẽ hưởng tuổi già bên con cháu thì họ phải nương thân nơi gầm cầu, xóm trọ chật hẹp. Đó là những thân phận tha hương trôi dạt từ vùng quê nghèo lên thành thị. Phải bán sức lao động của mình lấy tiền, chắt chiu từng đồng gửi về nuôi gia đình. Đó có thể là những đứa trẻ chỉ mới 6, 7 tuổi đã phải lang thang xin ăn, bán dạo. Thay vì được yêu thương, cơm ngon, áo đẹp, được học hành thì phải trải qua tuổi thơ cơ cực.

Đọc thêm bài viết giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” hay và ý nghĩa nhất. 

Những phận đời kém may mắn

Hàng năm, “khúc ruột miền Trung” phải gánh chịu những đợt bão lũ khủng khiếp. Nhà cửa, trâu bò, hoa màu của người dân đều bị cuốn trôi sạch, mất sạch. Hàng nghìn người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, bơ vơ không nơi nương tựa. Họ là những tấm “lá rách” đáng thương, bất hạnh, cần lắm những chở che đùm bọc của chúng ta. Là những người lành lặn, khỏe mạnh, trách nhiệm của chúng ta là phải quan tâm, chia sẻ với họ. Đó cũng là cách chúng ta trả ơn cuộc sống đã cho chúng ta may mắn hơn nhiều người khác. Có câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó cũng là một lời khuyên răn chúng ta phải biết sống đoàn kết, thương yêu đồng bào mình. Những đợt cứu trợ, quyên góp bão lụt, “giải cứu” trái cây, xây nhà tình thương, hỗ trợ vay vốn… Chính là cách thức những chiếc “lá lành” bảo bọc, yêu thương, bù đắp cho “lá rách” thêm ấm lòng.

Có thể bạn quan tâm:  Phân tích “Bầu ơi thương lấy bí cùng" bao chất, bao ý nghĩa luôn!

Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã ca ngợi một truyền thống cao quý của dân tộc ta. Đó là truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ nhau giữa người với người. Giúp đỡ người khác sẽ mang đến niềm vui, hạnh phúc và may mắn đến cho bản thân chúng ta. Một cuộc đời ý nghĩa là biết yêu thương và hy sinh, để cuộc sống này vơi bớt bất hạnh.

Hoài Thương ST

Một bình luận

  1. NGuyễn Minh Anh

Để lại Lời nhắn