Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Nhắc đến Hàn Mặc Tử, bên cạnh những bài thơ về trăng thì còn một tuyệt tác rất nổi tiếng. Đó là “Đây thôn Vĩ Dạ”, một bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên của xứ Huế thơ mộng. Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là “cảm” được cảnh và tình mà tác giả gửi gắm.

Bài mẫu Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”

“Đây thôn Vĩ Dạ” là tấm chân tình của nhà thơ gửi đến xứ Huế qua một tấm bưu thiếp. Hàn Mặc Tử khi ấy đang điều trị bệnh tại Quy Nhơn. Bài thơ là lòng xao xuyến trước cảnh đẹp quê hương và tình yêu cuộc sống của tác giả.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên mộc mạc, đầy sức sống của cố đô. Những cụm từ đắt giá “nắng mới”, “xanh như ngọc”… mở ra một cảnh trí xanh tươi, duyên dáng. Chỉ vài nét chấm phá mà như mang hết phần hồn tinh túy của xứ mộng mơ lên trang giấy. Và thấp thoáng sau “lá trúc” là khuôn mặt chữ điền phúc hậu, chất phác của người thôn quê.

Nhưng qua đến khổ thơ thứ 2, người đọc cảm nhận rõ cái buồn trong chính những cảnh vật ấy. Có gió, có mây nhưng “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Có nước trong xanh nhưng “buồn thiu”, hoa bắp cũng lay lắt buồn tủi. Đó phải chăng là nỗi buồn của chính tác giả, bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”? Hình ảnh vầng trăng xuất hiện đầy cô độc, quen thuộc và ma mị:

Có thể bạn quan tâm:  Tóm tắt Chí Phèo ngắn và hay nhất

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”.

Hàn Mặc Tử là thi sĩ say mê trăng. Trăng trong thơ của ông hiện lên đầy ám ảnh, quyến rũ và rất mực đa tình. Phải chăng là vì cô đơn nên mới “khát” trăng. Phải chăng là vì tuyệt vọng nên mới cất lên câu hỏi đau đáu có “về kịp” không? Đặt trong hoàn cảnh bệnh tật, đây chính là câu thơ thể hiện lòng ham sống của tác giả.

Đọc thêm bài viết phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”- khổ cuối

Rồi dường như Hàn Mặc Tử đã chìm hẳn vào cõi mộng. Khổ thơ cuối cùng như một tiếng kêu rơi vào thăm thẳm miền xa.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra”

Dễ thấy rằng dây gần như chỉ là ảo giác của nhà thơ. Bệnh tật và cô độc đã khiến ông tưởng tượng những khung cảnh mờ ảo siêu thực. Cảm tưởng như ông đang ở trong một vùng xa tít, bỗng trông thấy một bóng hình quen thuộc từ xa lại. Nhưng quen mà lạ, lạ mà quen. Áo em trắng quá hay nơi đây trắng quá, lạnh quá, cô đơn quá?

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà.”

Trong cô độc tột cùng, trong đau đớn sầu tủi, Hàn Mặc Tử vẫn ấp ủ một tình yêu. Tình yêu với con người, tình yêu với cuộc sống, với thiên nhiên. Khao khát được tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến cho đời, cái tình với quê hương đất nước. Làm sao không yêu cái mơn mởn của “nắng mới lên”, của “vườn ai mướt quá”. Làm sao không xiêu lòng trước “mặt chữ điền”. Làm sao để níu kéo sự sống này, những khoảnh khắc tuyệt vọng này? Để được ở lại với cuộc đời lâu hơn nữa, để sống ý nghĩa hơn nữa?

Có thể bạn quan tâm:  Phân tích Tự Tình 2 - Bài thơ làm nên tên tuổi nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” quan trọng nhất là cảm được cái tình của tác giả. Cái tình ấy ẩn chứa sâu kín trong từng câu chữ, từng hình ảnh nghệ thuật. Mộc mạc, giản dị thôi mà tha thiết, mà khát khao. Đó là lòng yêu cuộc sống, khao khát cống hiến dẫu biết thời gian sống của mình chẳng còn bao nhiêu.

Hoài Thương ST

Để lại Lời nhắn