Tự tình là một trong những bài thơ đặc sắc của nữ văn sĩ Hồ Xuân Hương. Đó là lời tự than, tự xót cho thân phận hẩm hiu của một người phụ nữ. Cùng đi vào phân tích Tự Tình để làm sáng tỏ nỗi niềm trên.
Phân tích Tự Tình bốn câu đầu
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Đêm khuya thanh vắng luôn là khoảnh khắc khiến con người rơi vào muộn sầu. Cảnh buồn, người buồn đã lần lượt hiện ra trong thơ Hồ Xuân Hương. Âm thanh thúc giục của ‘trống canh dồn” như nhắc nhở một tuổi trẻ qua mau. “Hồng nhan” nay lại rẻ rúng, lại đong đo đếm được với từ “cái”. Duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ thật sự đã được Xuân Hương lột tả đầy đau xót. Mới thấy xã hội phong kiến ngày xưa thật tàn nhẫn, đã làm xác xơ biết bao phận đời. Nghệ thuật đối “chén rượu” với “vầng trăng”, “hương đưa” với “bóng xế” thật tài tình. Muốn mượn rượu để quên đi thực tại khổ đau, mà càng uống càng tỉnh. Tỉnh rồi thì lại héo hon. Đó là bi kịch hiện lên trong thơ bà.
Tham khảo thêm bài viết nêu cảm nhận về bài thơ Tự Tình.
Bốn câu thơ cuối
Từ những u uất, muộn phiền, sắc thái thơ chuyển sang một trạng thái khác:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Động từ mạnh “xiên”, “đâm toạc” nêu bật phản ứng mạnh mẽ, phản kháng của con người trước thực tại. Nhưng ẩn sâu trong đó là sự chua xót tận đáy lòng. Nỗi đau trần thế từng ngày giày vò một người cô đơn:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Phải chăng, sự u uất nghẹn ngào đã vượt ra khỏi câu thơ, thấm đẫm vào tâm can người đọc? Hai câu cuối lắng đọng lại tâm sự của một kiếp người, nói đúng hơn là của người vợ lẽ. Càng đồng cảm cho tâm sự nhà thơ, ta càng chán ghét thói đời bạc bẽo bất công. Tự tình quả là một bài thơ đặc sắc của nữ sĩ họ Hồ!
Cảm ơn đã theo dõi bài viết! Chúc các em học tốt!
Hoài Thương ST