Tả dòng sông quê em – Tổng hợp văn mẫu

Tả dòng sông quê em là một trong những đề tập làm văn quen thuộc với học sinh Tiểu học. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng biết cách làm, hoặc chưa từng nhìn thấy sông, nhất là trẻ ở thành phố. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết nhất để bé tham khảo.

Dàn ý bài văn tả dòng sông

Mở bài: giới thiệu về dòng sông quê em.

Thân bài: tả chi tiết dòng sông, tập trung vào những nét nổi bật.

– Tả bao quát rồi đến cụ thể, từ xa đến gần. Tả cảnh vật trên bờ, trên mặt nước…

– Tả dòng sông theo sự thay đổi của thời gian: từ sáng, trưa đến chiều, tối. Màu sắc, ánh sáng khiến cho dòng sông thay đổi thế nào.

– Tả sinh hoạt của con người/động vật gắn liền với dòng sông. 

Kết bài: cảm nghĩ, tầm quan trọng của dòng sông quê em.

 

Bí quyết làm bài văn tả dòng sông quê em hay, độc đáo

Để viết được bài văn tả dòng sông độc đáo, bé cần tập trung quan sát thật kỹ. Bởi mỗi thời khắc trong ngày. Ánh sáng sẽ tác động đến mặt nước tạo nên màu sắc khác nhau. Buổi sáng lấp lánh, buổi trưa yên ả phản chiếu trời mây, buổi chiều mặt nước lao xao… Đó là sự khác biệt độc đáo của dòng sông qua từng thời khắc trong ngày.

Dòng sông quê thường gắn với nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Hãy đưa những kỷ niệm, cảm xúc ấy vào bài tập làm văn của mình. Đó là bí quyết giúp bài viết của bé thật độc đáo, sáng tạo và đặc biệt.

 

Bài tham khảo

  1. Bài mẫu 1

Cây đa, mái đình, dòng sông, con đò, bờ tre, giếng nước, đó là những phong cảnh quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Có lẽ đối với em, một đứa trẻ lớn lên ở làng quê nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, con sông quê chính là một người bạn.

                Con sông ấy như một tấm lụa mềm mại, uốn lượn quanh làng. Làng em là một ngôi làng nhỏ nằm bên sông nên gần mọi sinh hoạt đều gắn với bờ sông ấy. Nước sông xanh thăm thẳm, xanh màu của lá cây, màu của hoa cỏ. Trên dòng nước xanh biếc ấy, có những đám bèo lục bình xanh tươi, vài bè rau muống, điểm những bông hoa trắng phơn phớt tím. Buổi sáng sớm, khi sương còn chưa tan hết và mặt trời vừa mới nhô lên ở đằng đông, mặt sông mang một màu huyền ảo với làn sương khói mỏng manh, bác đánh cá vừa đi thu lưới về trông như một người vừa bước ra từ xứ sở thần tiên, huyền bí diệu kì. Chẳng biết dạo này bác có thu được nhiều cá không? Nhưng dường như lúc nào bác cũng vui vẻ lạc quan. Tiếng bác gõ vào mạn thuyền gọi cá lanh canh lanh canh là thứ âm thanh quen thuộc nghe đến vui tai. Mùa thu, mùa của những cơn lũ nguồn đổ về, nước sông ngầu lên đỏ cuồn cuộn như tức giận điều gì, nhưng mỗi lần như thế nước sông theo những mương nước lại đổ vào ruộng đồng, khiến cho ruộng đồng lại thêm màu mỡ tốt tươi.

Có thể bạn quan tâm:  Bài văn tả cô giáo lớp 6

          Thân thuộc nhất với tuổi thơ của em có lẽ chính là chiếc cầu nhỏ nối liền hai bờ sông. Trước đây, nó chỉ là một chiếc cầu phao nhỏ, không vững chắc, chỉ một lần nước lên, chỉ một chiếc thuyền chở hàng nhỏ đi qua, người ta đã phải cắt nhịp giữa. Nhưng giờ đây, chiếc cầu này đã trở nên khang trang hơn với lan can vững chắc. Ngày chiếc cầu khánh thành, người làng em vô cùng vui mừng, những nhịp cầu được làm từ những tấm gỗ, lan can sơn đỏ rực, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân làng em.  Mỗi ngày, em và các bạn đều đi qua cây cầu này để tới trường, tiếng nô đùa, tiếng nói chuyện của chúng em lúc nào cũng rộn rã một khúc sông. Màu nắng chiếu trên sông, màu áo trắng, khăn quàng đỏ của chúng em làm cho một khoảng sông rực sáng lên trong cái nắng của bình minh. Buổi trưa, trời nắng chói chang, các cô bác đi làm đồng về, tiện đường xuống bờ sông, rửa chân tay, rửa dụng cụ lao động. Chiều tối, bác chài lại đi một vòng thả lưới, bác đi tới tận tối khuya mới trở lại. Tối, tiếng ếch nhái ven bờ kêu, mặt sông mang một màu đen huyền bí có in hình mấy vì sao sáng lấp lánh như những viên kim cương đính trên vạt áo.

          Khúc sông này là nơi nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ của làng em. Phù sa bồi đắp cho đồng ruộng quê em càng ngày càng màu mỡ, phì nhiêu, nuôi sống người dân làng em tự xưa tới nay. Cũng chính bãi sông này là nơi mùa đông đến, chúng em cùng mẹ tra hạt ngô, bắp cải, su hào, cà rốt. đó là nguồn kinh tế chính của làng em khi mùa đông về. Dòng sông còn cho nguồn tôm cá dồi dào, phát triển thêm kinh tế cho làng em từ việc đánh cá ngoài sông hay nuôi những bè cá, bè tôm lớn.

          Sau này, khi chúng em lớn lên, những dòng sông cũng thay đổi nhiều hơn, làng mạc sẽ có thêm những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà nhỏ ven sông sẽ không còn nữa, nhưng dòng sông này sẽ gắn bó mãi với người dân làng em, gắn bó mãi với tuổi thơ của nhiều thế hệ

2. Bài mẫu 2

Làng em là một ngôi làng nhỏ nằm kề bên một con sông nhỏ. Con sông nằm bên cạnh làng, gắn với bao kỉ niệm của tuổi thơ nhiều thế hệ.

          Dòng sông ở đây từ rất lâu rồi. Em nghe bà kể lại, ngày xưa, khi thấy vùng đất này màu mỡ tốt tươi lại gần sông nên những người lập làng đã dừng lại, lập làng, lập  ấp, trồng trọt chăn nuôi. Dần dần, làng em trở thành một ngôi làng trù phú, xanh tươi.

          Trên cao nhìn xuống, dòng sông như một tấm lụa xanh uốn lượn quanh làng, như ôm ấp, như âu yếm như vòng tay của người mẹ ôm ấp đứa con thân yêu của mình. Mỗi ngày trôi qua, cùng với sự lớn lên của chúng em, dường như dòng sông cũng có những hơi thở của riêng mình.

          Nước sông bốn mùa xanh trong, bốn mùa chảy hiền hòa lượn quanh làng mạc xóm thôn, chảy qua cánh đồng làng khi thì xanh tươi lúc lại vàng xuộm màu lúa chín. Dòng sông dường như cũng mang cái mùi hương của đồng lúa, khi thì là hương của đất, của mạ non, lúc lại là mùi hương của lúa chín, của những giọt mồ hôi lăn trên má mẹ, trên má các bà, các cô.

Có thể bạn quan tâm:  Tả ngôi trường của em

          Buổi sáng sớm, nước sông trong xanh, có làn khói sương vương nhẹ trên mặt nước, có vài chú cá nhỏ đớp mồi ngay dưới chân bèo, có tiếng lanh canh gõ mạn thuyền gọi cá vào của chú đánh cá đi thu nốt mẻ lưới sáng sớm. Rồi bình minh lên, dòng sông in bóng mặt trời, mặt nước lúc này sóng sánh ánh hồng của ban mai rực rỡ. Hàng cây dọc hai bên sông cũng như vui tươi hơn trong cái nắng ban mai. Buổi sáng, chúng em đi học qua chiếc cầu nhỏ bắc qua sông, mẹ em cũng ra đồng qua con đường ấy.

          Buổi trưa, ông mặt trời mang những tia nắng chói chang tinh nghịch gieo xuống khắp bờ sông, mặt sông sóng sánh ánh mặt trời rực rỡ, như chào đón chúng em đi học về. Lúc ấy, các cô bác cũng từ ngoài đồng về, cũng ghé xuống sông rửa tay chân lấm bùn, rửa dụng cụ lao động. Tiếng nói chuyện vang cả mặt sông thật sôi nổi, mọi người bàn nhau về mùa vụ, trao đổi cách làm việc với nhau.

          Xế chiều, lũ trẻ con chúng em rủ nhau ra bờ sông. Với lũ trẻ chúng em, triền đê này chính là sân chơi. Bọn con trai thường hay xuống tắm sông, bọn con gái chúng em thường hay chơi thả thuyền giấy, thả những con thuyền giây chở đầy những giấc mơ của tuổi thơ. Rồi chúng em thả diều, diều bay lên cao tít, tiếng sáo diều vi vu. Trời chiều trong xanh, cao vời vợi, dòng sông lại càng mênh mang với những gợn sóng nhẹ lăn tăn vỗ vào bờ. Rồi, những tia nắng cuối cùng của mặt trời buông xuống, dòng sông như thu vào mình cả những ánh sáng của hoàng hôn đẹp đến mê hồn.

          Buổi tối, sông in trên mình một màu tím đen huyền diệu có điểm xuyết những đốm sáng của vầng trăng và những vì sao trên bầu trời. Không gian yên tĩnh, đến mức ta có thể nghe thấy tiếng nước vỗ vào bờ, hình như dòng sông cũng đang thì thâm trò chuyện với hàng cây, với bờ đê, với cả bầu trời như những người bạn tri âm tri kỉ

Khúc sông này gắn với bao nhiêu thế hệ người làng em. Sau này, dù có đi xa, em cũng luôn nhớ về những kỉ niệm gắn với dòng sông quê thân thuộc yêu dấu này. “Quê tôi ai cũng có, một dòng sông bên nhà, con sông quê gắn bó, với tuổi thơ đời tôi.”.

3. Bài mẫu 3

Quê hương là những kỉ niệm tuổi thơ. Tuổi thơ tôi gắn liền với con sông quê hương. Con sông quê đã tắm mát cho tâm hồn tôi, gắn bó khăng khít với tuổi thơ tôi với một tình yêu lớn.

Làng tôi ở là một ngôi làng nhỏ nằm bên một con sông nhỏ. Con sông gắn với cuộc sống của bao người dân làng tôi, gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi. Từ trên cao  nhìn xuống, dòng sông như một tấm lụa màu xanh ngọc bích khổng lồ, quanh co, uốn lượn quanh xóm làng, như ôm ấp lấy người dân làng tôi.

Có thể bạn quan tâm:  Tả loài cây em yêu – gợi ý làm văn hay

Hai bên bờ sông, người dân quê tôi trồng nhiều loài cây. Từ những cây lớn như bạch đàn, xà cừ, xoan đến những cây gỗ nhỏ. Đi dọc bờ sông chúng tôi luôn cảm thấy thật dễ chịu bởi gió từ lòng sông thổi lên và cũng từ bóng mát của hai hàng cây bên bờ.

Buổi sáng, mặt trời vừa ló rạng ở đằng đông, những tia nắng ấm áp chiếu trên mặt đất, trên hàng cây, dòng sông cũng lấp la lấp lánh ánh sáng mặt trời. Từng gợn sóng như dát vàng dát bạc. Những chú cá cũng nổi lên, đớp mồi dưới chân bèo. Buổi trưa, dòng sông yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió xào xạc, sóng xô vào bờ, bầu trời xanh gợn những đám mây trắng bạc. Ánh mặt trời chói chang chiếu xuống lòng sông. Đến chiều, dòng sông mang một màu xanh ngăn ngắt, thỉnh thoảng in một áng mây trắng nhè nhẹ trôi trên nền trời xanh thăm thẳm. Đêm về, sông mang một vẻ đẹp huyền bí lạ kì với những con sóng màu tím đen vỗ vào bờ đê như thì thầm, êm ả như ru. Mỗi buổi trong ngày, sông lại mang những nét quyến rũ riêng, nó nhẹ nhàng, mơ hồ chứ không ồn ào dữ dội.

Dòng sông mang nguồn nước tưới cho cả cánh đồng làng tôi. Đầu xuân, nước tràn về, cũng chính là lúc làng em bắt đầu gieo cấy vụ Chiêm, cánh đồng bắt đầu thay những mảng màu trắng mênh mông nước thành màu xanh của lúa non. Khi nông nhàn, người dân quê tôi thường hay thả lưới đánh cá trên sông, tiếng gõ mạn thuyền gọi cá lanh canh mỗi buổi chiều tối hay sáng sớm làm cho không khí làng quê yên tĩnh trở nên rộn ràng hơn. Những ngày nắng mùa hè, mẹ tôi cùng các cô các bác thường lựa những ngày nắng to sau những trận mưa lớn, đem chăn, màn, chiếu ra sông giặt rồi phơi trên triền đê, vừa làm việc, vừa nói chuyện mùa vụ, chuyện học hành của con cái, nhộn nhịp cả mặt sông. Mùa thu, lũ về, dòng sông đỏ đục lên những phù sa, nước dâng lên, lại bồi đắp cho cánh đồng làng thêm màu mỡ. Lũ rút, nước sông cạn, mẹ tôi thường hay ra bãi sông cuốc đất trồng rau, trồng ngô. Những luống rau của mẹ cứ lớn nhanh như thổi,  nào là rau cải, cà chua, cà rốt, hành, ngô khoai,…. Tôi và lũ trẻ trong làng hay rủ nhau chơi nhiều trò chơi của con trẻ trên bãi sông nào bắn bi, đá cầu, thả diều, rồi rủ nhau đi câu, đi thả vó bè trên sông. Chúng tôi cùng giúp gia đình mình và gia đình các bạn thu hoạch ngô, khoai. Với bọn trẻ con chúng tôi, đó là niềm vui lớn nhất của tuổi thơ.

Sau này lớn lên, tôi sẽ đi đến nhiều vùng đất mới. Có thể, cái ồn ào của thị thành sẽ làm cho tôi mệt mỏi và quên nhiều thứ. Nhưng chắc rằng, tôi sẽ không bao giờ quên đi dòng sông tuổi thơ tôi.

Tải tài liệu miễn phí ở đây

Sưu tầm: Hoài Thương

Để lại Lời nhắn