Thuyết minh về mũ bảo hiểm

 

Giữa nhịp sống hối hả, vội vã của xã hội ngày nay, ta thường xuyên bắt gặp những khẩu hiệu về giao thông ở nhiều đoạn đường khác nhau như: “an toàn là bạn- tai nạn là thù” hay “an toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”. Vậy đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi rằng chúng ta cần phải làm gì để có thể đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông? Theo như luật giao thông, bên cạnh việc đi đúng làn đường, không lạng lách, đánh võng thì việc đội mũ bảo hiểm cũng là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ bản thân.

Thông báo:  Giáo án, tài liệu miễn phí, và các giải đáp sự cố khi dạy online có tại Nhóm giáo viên 4.0 mọi người tham gia để tải tài liệu, giáo án, và kinh nghiệm giáo dục nhé!

 

Mũ bảo hiểm là một đồ vật khá quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, nó đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử nhưng con người ta ít chú ý tới nguồn gốc của nó. Tiền thân của những chiếc mũ bảo hiểm ngày nay chính là những chiếc mũ cổ ở sâu dưới lòng đất, trong các ngôi mộ mà con người đã khám phá ra hay nó còn là những chiếc mũ có chóp nhọn ở trên đỉnh mà ta thường bắt gặp trong các bộ phim về Hy Lạp cổ đại. Ban đầu thì chiếc mũ ấy được làm bằng da, nhưng sau đó đã cải tiến bằng chất liệu làm từ kim loại. Một thời gian sau thì mũ được thay đổi để bảo vệ cả khuôn mặt, chỉ để lộ ra phần mắt và mũi để thở. Kế thừa thành tựu ấy, những triều đại phong kiến phương Đông hay các nước lớn như Anh, Pháp… cũng đưa mũ bằng kim loại vào sử dụng trong quân đội.

Có thể bạn quan tâm:  Bài văn tả em bé

Dưới góc nhìn thực tế, những chiếc mũ bảo hiểm có thể hình tròn hoặc hình cầu, tùy thuộc vào cách chọn mũ của người sử dụng. Cấu tạo của chúng khá đơn giản, chia làm 3 lớp: lớp vỏ ngoài; lớp vỏ thứ hai và lớp vỏ trong cùng; bên cạnh đó còn một số bộ phận khác như quai mũ, kính chắn hoặc miếng lót cằm… Lớp vỏ ngoài được làm từ nhựa cứng với nhiều màu sắc khác nhau, nhiều chiếc mũ còn được trang trí hoa văn, họa tiết khá độc đáo, thoải mái cho người tiêu dùng lựa chọn. Lớp vỏ thứ hai là một lớp xốp dày dặn với tác dụng bảo vệ phần đầu khi xảy ra va chạm, được bọc bởi một lớp vải mềm để tạo cảm giác dễ chịu khi tham gia giao thông, và đó chính là lớp vỏ cuối cùng trong chiếc mũ. Bộ phận tiếp theo đó là quai mũ, nó cũng giống như chiếc quai cặp, có thể điều chỉnh ngắn dài tùy ý, phần khóa cài được làm từ nhựa, còn phần dây được đan từ những sợi tổng hợp, để đảm bảo an toàn thì chúng ta phải cài quai mũ vừa phải, không quá chật cũng không quá lỏng. Ngoài ra, kính mũ (nếu có) được làm từ nhựa trong suốt để người sử dụng có thể quan sát được xung quanh cũng như để bảo vệ mắt khỏi một số tác nhân như gió, bụi…

Có thể bạn quan tâm:  Bản mềm: 54 bài toán vui lớp 4

 

 

 

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, mũ bảo hiểm được chia ra nhiều loại khác nhau, khá đa dạng và phong phú. Chẳng hạn như mũ bảo hiểm nửa đầu với tác dụng bảo vệ nửa phần đầu trên, người sử dụng có thể dễ dàng nghe được âm thanh xung quanh để phản xạ; mũ bảo hiểm có kính chắn gió với tác dụng che gió, chắn bụi trên đường; mũ bảo hiểm có lỗ thông gió (được thiết kế ở phần sau mũ, dành cho nữ giới khi buộc tóc); hay mũ bảo hiểm ôm hết phần mặt với chất liệu khá dày dặn, bảo vệ được cả phần đầu và phần mặt, vừa chắn gió, vừa giữ ấm. Nếu bạn muốn lựa chọn những loại mũ bảo hiểm chất lượng thì đừng quên đến với những thương hiệu nổi tiếng như: Protec, Andes Helmet, Chita…

Mặc dù chỉ với cấu tạo đơn giản như vậy nhưng chiếc mũ bảo hiểm lại vô cùng quan trọng đối với chúng ta khi tham gia giao thông. Bởi thứ nhất, nó sẽ giúp ta bảo vệ phần đầu, đặc biệt là não (cơ quan quan trọng nhất) nếu có xảy ra va chạm; thứ hai giúp ta tránh được một số tác nhân gây hại của môi trường như nắng, mưa, gió, bụi… và thứ ba giúp ta trở thành người nghiêm chỉnh khi chấp hành luật giao thông. Từ khi có sự xuất hiện của các loại mũ bảo hiểm cao cấp thì tỉ lệ thương vong vùng đầu cũng giảm đi đáng kể, đồng thời thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng bởi kiểu dáng hợp thời trang.

Có thể bạn quan tâm:  Bài văn tả chiếc bút máy

Mũ bảo hiểm khá là quan trọng nên ta cần sử dụng chúng khi tham gia giao thông hay khi làm việc ở các công trình,… để đảm bảo an toàn. Cách sử dụng mũ vô cùng đơn giản, chỉ cần cài quai và điều chỉnh mức độ dây cho phù hợp, nên chọn những loại mũ cứng cáp, dày dặn, đầy đủ kính chắn, miếng lót cằm…. để đảm bảo chất lượng. Vì chất liệu mũ là nhựa nên tránh va đập quá mạnh, vừa làm giảm thẩm  mỹ lại vừa ảnh hưởng đến chất lượng của mũ.

Có thể nói, mũ bảo hiểm chính là bia đỡ đạn của mỗi chúng ta khi tham gia giao thông, vì vậy cần trân trọng, nâng niu chúng để bảo vệ chính bản thân mình cũng như cộng đồng. Đồng thời, cần phê phán, lên án những tổ chức, tập thể vì lợi nhuận mà làm ra những chiếc mũ giả, kém chất lượng, buôn bán trái phép ra thị trường, gián tiếp ảnh hưởng đến tính mạng của con người.

 

 

 

Để lại Lời nhắn