Trong thi ca, không thiếu hình ảnh người chinh phụ đợi chồng, người mẹ tần tảo, người tình quyến rũ… Nhưng người vợ vất vả sớm hôm thì lại gần như vắng bóng, chỉ có “Thương vợ” là nổi bật nhất. Dưới đây là vài dòng cảm nhận bài thơ “Thương vợ” nổi tiếng của nhà thơ Tú Xương.
Mẫu cảm nhận bài thơ Thương vợ
Ngay 2 câu mở đầu, tác giả đã phác họa hình ảnh người phụ nữ tảo tần buôn bán quanh năm. Không chỉ “nuôi đủ 5 con” mà bà Tú còn phải nuôi cả người chồng mê thơ văn. Không phải buôn bán ở chợ, được chỗ ngồi đàng hoàng mà là ở “mom sông” đầy nguy hiểm. Người chồng xếp ngang những đứa con lần lượt kể ra giống như những “cục nợ” của người phụ nữ.
Ở 2 câu tiếp theo, tác giả sử dụng hình ảnh con cò, thể hiện sự cô độc, vất vả. Bà Tú bươn chải “lặn lội thân cò” để mưu sinh trong những buổi chợ “eo sèo”. Đó là âm thanh chợ búa mặc cả, to tiếng với nhau. Người đi chợ cũng chỉ là các bà, các cô. Họ trả giá, kì kèo từng đồng cũng chỉ để lo cho gia đình của mình được đủ đầy.
Tác giả lại chuyển hướng sang tâm tình của chính bà Tú. Đó là tiếng thở dài chán nản trước thân phận của mình. Bà chấp nhận sự vất vả này và coi đó là “một duyên hai nợ”. Đã là duyên nợ thì chỉ có thể chấp nhận chứ không thể nào chối bỏ. Đó cũng là nét tính cách của người phụ nữ ngày xưa, chịu đựng hy sinh trong im lặng.
Tình cảm vợ chồng sâu sắc
Đọc thêm bài viết cảm nhận bài thơ Tỏ lòng hay nhức nhối.
Nhưng 2 câu cuối đắt giá lại là lời cảm thán của chính… đức ông chồng. Thời phong kiến, xã hội không coi trọng người phụ nữ. Vị thế của họ trong chính nhà cha mẹ đẻ đã bị coi thường. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Cha mẹ cũng đã “bạc” với chính con gái của mình. Còn chồng thì lại càng vô dụng. Nhưng chắc chắn người giàu tình yêu thương và đức hy sinh như bà Tú sẽ không bao giờ nghĩ vậy. Đây phải là câu tự thán của Tú Xương. Ông cảm thấy mình vô dụng, không giúp gì được cho người vợ của mình về cả vật chất và tinh thần. “Có chồng hờ hững cũng như không”. Đây là câu thơ vừa tự cười mình, vừa cười chua chát vào xã hội bất công trọng nam khinh nữ.
Cảm nhận bài thơ “Thương vợ” đong đầy tình cảm sâu sắc giữa vợ chồng với nhau. Tình yêu ấy tuy không nói thẳng nhưng lại chan chứa trong sự bất lực khi không giúp đỡ được cho nhau. Một người chồng tự thấy xấu hổ trước sự hy sinh của vợ, há chẳng phải đã yêu vợ quá nhiều hay sao!
Hoài Thương ST