Bài 1:
Tuổi thơ tôi là những lần trốn học bị đòn roi, là những buổi chiều nô đùa trên triền đê gió lộng và là những buổi tối chìm đắm vào trong những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể. Mỗi lần nhắc đến những kỉ niệm ấy, tôi lục lại kí ức của mình và không biết tự bao giờ, tôi đã “nằm lòng” nhiều câu chuyện quen thuộc và trong đó không thể không kể đến Thánh Gióng – một trong những truyền thuyết nổi tiếng của dân tộc Việt Nam.
Thông báo: Giáo án, tài liệu miễn phí, và các giải đáp sự cố khi dạy online có tại Nhóm giáo viên 4.0 mọi người tham gia để tải tài liệu, giáo án, và kinh nghiệm giáo dục nhé!
Truyện kể rằng: Vào đời Hùng Vương thứ 6, có một người đàn bà đã nhiều tuổi đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kinh ngạc vì lần đầu tiên nhìn thấy một bàn chân to như vậy, tò mò đưa bàn chân ướm thử và từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng nhưng đến ba tuổi mà nó vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói cười gì cả.
Ngày ấy, giặc Ân kéo vào cướp nước ta, chúng rất tàn ác, đi đến đâu là giết người cướp của đến đấy. Vua Hùng lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước cầu người tài cứu nước. Khi sứ giả đến làng, Gióng liền bảo mẹ mời sứ giả vào nhà. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Gióng nói với sứ giả rằng về tâu với nhà vua rèn cho Gióng một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một thanh gươm sắt và một chiếc nón sắt để Gióng đánh đuổi giặc. Nghe xong, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu vua, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé.
Kể từ hôm ấy, Gióng lớn nhanh như thổi, dân làng nô nức đem gạo, khoai, hoa quả… đến cho Gióng với mong ước Gióng sẽ trừ giặc dữ. Cùng lúc đó, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa ra trận.
Trên chiến trường, giặc chết dưới tay Gióng như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường làm vũ khí mới, giặc sợ hãi, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời. Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn. Những vết chân ngựa in xuống ngày xưa, nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau, minh chứng cho chiến công oanh liệt của Thánh Gióng.
Tuy bụi thời gian đã phủ đầy lên những trang sách nhưng truyền thuyết về Thánh Gióng vẫn được lưu giữ và truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đồng thời, Thánh Gióng chính là biểu tượng cho ước mơ, sức mạnh bảo vệ đất nước của nhân dân ta trong mọi thời đại.
Bài 2:
Bên cạnh những cuốn truyện tranh nổi tiếng mà tôi đang sở hữu như Doreamon, Conan… thì tôi còn được mẹ mua cho rất nhiều những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của dân tộc ta. Và không biết tự lúc nào, tôi lại yêu thích chúng đến thế, nhiều khi tôi chỉ muốn mình trở thành những người tài ba như các nhân vật trong truyện, điển hình là chú bé Gióng trong truyền thuyết “Thánh Gióng”.
Truyện kể rằng vào đời Hùng Vương thứ 6, có một người phụ nữ tuy đã cao tuổi nhưng không có con cái, và điều đặc biệt chính là bà ấy đã có mang sau khi ướm thử bàn chân của mình vào dấu chân lạ trên luống cà. Một thời gian sau, bà sinh ra một bé trai bụ bẫm, đặt tên là Gióng nhưng thật kì lạ, đứa trẻ này tuy đã lên ba nhưng không hề biết nói cười, chỉ biết nằm ngửa đòi ăn.
Năm ấy, giặc Ân vào xâm lược nước ta, chúng vô cùng độc ác và tàn bạo, đến cả đội quân của nhà vua cũng chịu thua. Vua Hùng lo lắng, sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tài cứu nước, và khi đến làng của Gióng thì cậu bé bỗng cất lên tiếng nói đầu đời bằng việc nhờ mẹ ra mời sứ giả vào nhà. Với phong thái chững chạc, Gióng nhờ sứ giả về tâu với nhà vua làm cho Gióng một con ngựa sắt, một chiếc áo giáp sắt, một cái gậy sắt và một cái mũ sắt để Gióng đánh đuổi giặc.
Kể từ đó, Gióng lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không đủ, mặc gì cũng không vừa. Cùng lúc đó, giặc vừa đến sát núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng vươn vai đứng dậy, trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa ra trận.
Khi chiến đấu, giặc chết dưới tay Gióng như ngả rạ. Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi đất nước đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời. Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn. Những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau ngày nay chính là những gót ngựa xưa kia của Gióng, minh chứng cho chiến công oanh liệt của ngài.
Đọc xong câu chuyện, tôi không ngừng ngưỡng mộ Gióng, nhờ Gióng mà đất nước được yên bình, cuộc sống nhân dân mới được ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, tác phẩm cũng gián tiếp thể hiện niềm mơ ước và khát vọng bảo vệ đất nước của nhân dân ta trong mọi thời đại.