Để cảm nhận tốt một bài thơ, trước tiên hãy thuộc lòng thật kĩ. Đối với bài thơ “Cảnh ngày hè”, các em hãy đọc đi đọc lại các chú giải. Điều này giúp bản thân nắm được tinh thần của bài thơ.
“Cảnh ngày hè” có gì?
Muốn viết tốt, trước hết nắm vững các ý chính, chủ chốt.
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ chia hai phần. Phần 1 gồm 6 câu đầu diễn tả cảnh hè tươi đẹp:
+ Mùa hè sống động, tươi đẹp. Với các hình ảnh đặc trưng: sen, lựu, hoa hòa,…
+ Nhiều màu sắc rực rỡ
+ Trạng thái của sự vật trần ngập sức sống
– Phần 2 gồm 2 câu còn lại diễn tả tấm lòng ưu dân ái quốc của Ức Trai:
+ Ông vẫn đau đáu về ấm no của nhân dân dù đã lui về ở ẩn
+ Dùng điển tích để thể hiện mong ước cháy bỏng của mình: vua Nghiêu, vua Thuấn
Chú ý thêm về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Phân tích chi tiết bài thơ “Cảnh ngày hè”
– Câu 1: Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi miêu tả cảnh sống an nhàn của mình trong những ngày lui về ở ẩn. Tác giả sử dụng những từ ngữ thể hiện sự nhàn rỗi: “rồi” (từ cổ, thể hiện sự nhàn hạ), “hóng mát” (thư thái, bình an), “ngày trường” (ngày dài). Nhịp thơ cũng chậm rãi, khoan thai, thể hiện tâm thế bình lặng, thản nhiên trước thế sự.
Thông thường, bài thơ phải theo đúng luật 7 chữ, nghĩa là thể thất ngôn bát cú. Nhưng chính tác giả đã lược bỏ 1 chữ, tạo thành phong cách sáng tác cực kỳ táo bạo. Cảnh ngày hè có nhịp thơ khá chậm, đi từ chữ 1/2/3, thể hiện phong thái từ tốn, ung dung, tự tại vốn có của Nguyễn Trãi.
Bức tranh “Cảnh ngày hè” giàu sức sống
– Câu 2, 3, 4: bức tranh cảnh ngày hè với thiên nhiên đẹp đẽ, sống động:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.
Cây hoè với tán lá rậm rạp, um tùm mát rượi, tỏa rộng che bóng thể hiện sức sống mạnh mẽ, bao trùm. Cây lựu rực rỡ như những ngọn lửa đỏ trên tàng lá xanh, thể hiện sự nồng nhiệt và khỏe mạnh. Đầm sen thơm mát, hương bay xa bát ngát thể hiện sự thanh cao, thuần khiết. Đây đều là những loài cây đặc trưng cho chính mùa hè.
Cả 3 loại cây này đều có dáng vẻ đẹp và thanh thoát. Những màu sắc này khiến họn 3 cảnh sắc đặc biệt này chỉ nhất cho mùa hè là cây hòe rợp bóng mát, cây lựu ra hoa đỏ chói và hoa sen hồng trong hồ. Những động từ “đùn đùn”, “phun” thể hiện sức sống mạnh mẽ, sự sinh sôi của cảnh ngày hè đầy sức sống. Chỉ những người có tình yêu thiên nhiên tha thiết mới có thể quan sát tinh tế đến như vậy.
Phân tích “Cảnh ngày hè” câu 5, 6
– Câu 5, 6: cảnh lao động, sinh hoạt sống động, sôi nổi của người dân:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Từ sự tinh tế của mình, Nguyễn Trãi đã lắng nghe và tận hưởng được những thanh âm sống động của cuộc sống như “lao xao chợ cá”, “dắng dỏi cầm ve”. Đây là những thanh âm yên bình của cuộc sống ấm no. Cách kết hợp giữa từ thuần Việt và Hán Việt, từ láy cùng với nghệ thuật đảo cấu trúc câu có tác dụng nhấn mạnh rất khéo léo. Nguyễn Trãi là nhà thơ vừa tinh tế, vừa nhạy cảm, yêu tha thiết cảnh sắc quê hương yên bình và cuộc sống đầy thanh nhã. Đây là cốt cách thanh cao của bậc quân tử, có tâm hồn phóng khoáng, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống thường nhật.
Phân tích “Cảnh ngày hè” câu 7, 8
– Câu 7, 8: tấm lòng rộng mở, nặng tình với quê hương, đất nước và tình yêu thương muôn dân của Nguyễn Trãi:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Trong bài, tác giả sử dụng nhiều từ cổ và điển tích, điển cố. Đây là đặc trưng của thơ ca trung đại. “Dẽ” là một từ cổ, có nghĩa là lẽ, lẽ ra, đáng lẽ. Tác giả đề cập đến “Ngu cầm” với ý mượn câu chuyện về trị quốc của cổ nhân. Đây là một điển cố rất quen thuộc trong văn học Trung Quốc về thời đại vua Nghiêu – Thuấn.
Đó là những vị vua tài danh nổi tiếng đã mang lại cuộc sống ấm no cho muôn dân, tiếng thơm còn lưu danh sử sách ngàn đời. Vua Thuấn có một khúc đàn có tên “Nam Phong”, hàm ý ca ngợi cảnh sống giàu có no đủ của mọi người dân trong thiên hạ. Nguyễn Trãi cũng muốn có khúc đàn để ca ngợi cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc của muôn dân mà ông đang sống cùng.
Dù đã lui về ở ẩn, sống an nhàn nhưng trái tim Nguyễn Trãi vẫn mãi mãi hướng về người dân, về lợi ích của dân tộc, vui với những niềm vui bình dị, gần gũi của tầng lớp lao động. Ước mơ của ông là được thấy cảnh người dân sống đầy đủ, bình yên ngay trên quê hương mình.
Lưu ý bài thơ “Cảnh ngày hè”
Để cảm nhận về bài thơ một cách sâu sắc, đặc biệt các em hãy đọc nhiều. Đọc các bài thơ của Nguyễn Trãi cùng chủ đề thiên nhiên. Qua đó hiểu hơn về phong cách nghệ thuật, tình cảm, tư tưởng của đại thi hào. Đọc các bài thơ về mùa hè để nhận thấy điểm đặc biệt ở “Cảnh ngày hè”. Đọc các bài văn cảm nhận dưới đây để có thêm ý tưởng cho mình cũng như rèn luyện lối hành văn trôi chảy.
Tải tài liệu miễn phí tại đây
Hoài Thương sưu tầm